Bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ: Những dấu hiệu cần biết

Không chỉ là căn bệnh xảy ra ở người trưởng thành, trầm cảm cũng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ.

Trầm cảm là trạng thái buồn rầu sâu sắc, mất hứng thú với cuộc sống xung quanh. Ở một số người, thậm chí, trầm cảm còn kèm theo cả rối loạn nhận thức. Cũng có nhiều người tự làm tổn thương mình hoặc có ý định tự tử khi trầm cảm.

Trẻ sơ sinh cũng có thể bị trầm cảm

Trầm cảm tưởng như chỉ là bệnh của những người trưởng thành với những suy nghĩ và ưu tư về cuộc sống, thế nhưng, thực tế thì trẻ sơ sinh cũng có thể mắc phải bệnh này. Biểu hiện trầm cảm ở trẻ sơ sinh thường khó nhận biết bởi lúc này trẻ chưa biết biểu lộ cảm xúc.

Thế nhưng, nếu chú ý quan sát, chúng ta cũng có thể nhận ra những bất thường như: trẻ hay khóc vào ban đêm, biếng ăn (thậm chí là bỏ bú), không thích trêu đùa, chậm phát triển vận động và nhận thức, hay gắt gỏng…

Bên cạnh những trẻ có phản ứng thường xuyên quấy khóc, còn có những trẻ gần như rơi vào trạng từ chối tiếp xúc với mọi người với các biểu hiện: không thích nô đùa, không nhận ra người thường xuyên chăm sóc…

Theo bà Nguyễn Thu An, chuyên gia tư vấn tâm lý, chương trình tư vấn Tâm sự bạn trẻ (Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số), nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm ở trẻ sơ sinh thường là do trẻ phải xa mẹ hoặc người chăm sóc một thời gian dài, trong khi đó, người thay thế không hiểu được những mong muốn của trẻ. Tình trạng này kéo dài dẫn tới những biến đổi về tâm lý.

Với trẻ lớn hơn, trầm cảm xảy ra khi trẻ gặp một cú sốc như: cha mẹ ly hôn, thường xuyên phải thay đổi môi trường sống và học tập, bị bạn bè trên lớp bắt nạt, có người thân qua đời… Dù nguyên nhân gì thì xét cho cùng, nó đều là do trẻ chưa được người lớn trang bị đủ kỹ năng để ứng phó với những biến đổi của cuộc sống. Chính vì vậy, khi “vấp” phải, trẻ dễ thu mình lại.

Một nguyên nhân nữa dẫn tới trầm cảm ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ đó là do gene di truyền. Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đã chỉ ra rằng: 40% những người trầm cảm có thể liên quan đến gene.

Ngoài ra, nếu phải lớn lên với một người bị trầm cảm, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tính cách cũng như sẽ học cách ứng xử của người này với thế giới xung quanh. Chẳng hạn, nếu sống với người mẹ ít nói, thường xuyên nằm trên giường, ít giao tiếp với mọi người…, trẻ cũng sẽ có xu hướng bắt chước theo, lâu dần dẫn tới trầm cảm.

Không thể tự chữa trị tại nhà

Trên thực tế, vì cha mẹ hay người chăm sóc không nghĩ rằng trẻ nhỏ có thể bị trầm cảm nên bệnh này thường bị phát hiện, chẩn đoán muộn, dẫn tới việc điều trị mất thời gian, tốn kém chi phí.

Nhiều người nghĩ rằng, sau khi phát hiện trẻ bị trầm cảm, gia đình hoàn toàn có thể chữa trị ở nhà và chỉ cần người thân chịu khó chơi, trò chuyện với trẻ thì tình hình sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, trầm cảm không thể tự chữa trị mà cần có sự can thiệp chuyên sâu của các bác sĩ. Sự quan tâm của gia đình là cần thiết, thế nhưng, nó chỉ nên coi là biện pháp hỗ trợ chứ không phải phương pháp điều trị chính.

Về mặt y khoa, trầm cảm có rất nhiều dạng và được chia thành 3 mức độ: nhẹ, vừa, nặng. Việc chẩn đoán tình trạng trầm cảm ở trẻ cần được tiến hành ở các cơ sở y tế có chuyên môn.

Với mức độ nhẹ, trẻ có thể chỉ cần các liệu pháp tâm lý, tuy nhiên, ở mức độ vừa và nặng, đôi khi sẽ phải sử dụng thuốc để hỗ trợ.

Các loại thuốc này dù có tác dụng tích cực trong điều trị bệnh song lại có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: khô miệng, buồn nôn, táo bón, tăng/hạ huyết áp, nhức đầu, chóng mặt, tăng áp lực nội nhãn…

Chính vì vậy, bạn không được tùy ý sử dụng thuốc cho con. Việc dùng thuốc phải tuyệt đối tuân theo chỉ định về chủng loại cũng như liều lượng của bác sĩ.

Với những trẻ có biểu hiện nặng như: thường xuyên tìm cách tự tổn thương mình hoặc có ý định bắt chước người khác tự tử, bác sĩ có thể yêu cầu điều trị nội trú cho đến khi trạng thái tâm lý trở lại bình thường. Tuy nhiên, mức độ này thường ít xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.

Quá trình điều trị trầm cảm thường mất rất nhiều công sức, song hoàn toàn có thể điều trị được nếu gia đình tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài vấn đề này ra, bố mẹ cũng cần lưu ý: phải giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, ít nhất là trước mặt trẻ vì sự chán nản sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý của các con và khiến việc chữa trị trở nên phức tạp hơn.

“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm ở trẻ sơ sinh thường là do trẻ phải xa mẹ hoặc người chăm sóc một thời gian dài, trong khi đó, người thay thế không hiểu được những mong muốn của trẻ. Tình trạng này kéo dài dẫn tới những biến đổi về tâm lý”.

 Nguyễn Thu An (Chuyên gia tư vấn tâm lý, Chương trình tư vấn “Tâm sự bạn trẻ” – Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số)

Theo ANTĐ

Theo Đời sống
back to top