Đau khổ tâm thần vô biên cần phát hiện sớm không nguy hiểm.
Hỏi: Con tôi thường có nhiều lần muốn tự sát, rất may được gia đình phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Khi đi khám con tôi được chẩn đoán bị đau khổ tâm thần vô biên. Tôi xin hỏi chứng bệnh này có những biểu hiện cụ thể nào?
Đặng Văn Duy (Tuyên Quang)
BSCKII Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia:
Trầm cảm là một rối loạn thường gặp trong lâm sàng tâm học và có khuynh hướng ngày một gia tăng. Trầm cảm có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là lứa tuổi thanh niên và trung niên. Trầm cảm gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
Đau khổ tâm thần vô biên là một bệnh lý do rối loạn trầm cảm. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện như không muốn sống nữa. Có một nỗi buồn sinh thể xâm chiếm toàn bộ ý thức của bệnh nhân như buồn rầu, hối hận, mất hy vọng vô cớ không gì có thể an ủi.
Bệnh nhân cũng bị loạn cảm giác bản thể như đầu trống rỗng, khó chịu lan tỏa, chán nản cực độ, ngạt thở, co thắt nội tạng, đau đớn khắp thân thể. Bệnh nhân đau khổ vì sự bất lực của mình, vì sợ mất khả năng suy nghĩ, quyết định và hành động.
Mọi sự động viên của người thân không làm giảm được đau khổ mà ngược lại làm cho nặng thêm cảm giác bất lực và mất giá trị của họ. Bệnh nhân cũng có thể tự tố cáo nỗi đau “bị gia đình khinh bỉ”, tự xưng tội với mọi người về những lỗi lầm trong quá khứ.
Nếu bệnh nhân nghĩ rằng mình bị bệnh thì sẽ xem đó là một bệnh không chữa được. Nếu họ tự coi mình là tội phạm thì sẽ nghĩ chắc chắn là không thể tránh khỏi bị trừng phạt. Hay nói cách khác họ thấy tương lai bị bế tắc.
TH (ghi)