Bàu Trúc không chỉ có gốm xưa

(Khoahocdoisong.vn) - Nghề gốm là tài sản của người Chăm làng Bàu Trúc, không buông được.
Bàu Trúc không chỉ có gốm xưa

 1. Biết tôi lần đầu ra Bàu Trúc, Đàng Ngọc Đêm đón tiếp như người thân trong gia đình. Mười năm trước, hai chúng tôi được cử sang một số nước có nền nông nghiệp phát triển trong khối ASEAN để nghiên cứu những vấn đề liên quan đến nông dân, nông thôn. Tại Malaysia, ngoài tìm hiểu chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, chúng tôi còn được tham quan một số cơ sở sản xuất đồ gốm của bạn.

 Đàng Ngọc Đêm đưa tôi đến trụ sở Hợp tác xã Gốm Bàu Trúc, là hợp tác xã mà anh làm phó chủ nhiệm. Ngôi nhà rộng 200m2 này còn là nơi trưng bày và bán gốm Bàu Trúc. Tại đây luôn có những nghệ nhân biểu diễn nghề làm gốm truyền thống và gốm mỹ nghệ Chămpa cho du khách trong và ngoài nước trải nghiệm. Trong số nghệ nhân ấy có bà Trương Thị Gạch - tuổi đã ngoài thất tuần, đầu quấn khăn truyền thống của người Chăm ngồi nặn gốm.

 Mười ngón tay chai sần của bà mềm mại như múa với đất dẻo, chẳng mấy chốc hình hài một bình gốm đã hiện ra. Bên bà, một cô gái chăm chỉ nặn gốm, lâu lâu được bà hướng dẫn kỹ thuật để hoàn thiện sản phẩm. Đứa con gái chừng ba tuổi của cô chăm chăm nhìn bà Gạch và mẹ nắn đất. Hình ảnh ấy làm tôi nghĩ đến việc "bà truyền cháu nối" nghiệp tổ Poklon Chanh.

 Bà Gạch kể, lên 8 tuổi đã theo mẹ ra đồng Nú Lăng lấy đất, ra triền sông Quao xúc cát đội về nhà. Đất đưa về đổ vào hố, rưới nước cho thấm đều, ủ một ngày rồi đưa lên trộn với cát theo tỷ lệ 3/7 (3 cát, 7 đất). "Nhồi hai giờ đồng hồ, khi nào nắm lọn đất thấy dẻo quẹo thì nặn gốm được. Thời bà tôi, mẹ tôi chỉ làm lu đựng nước, làm chả (nồi) kho cá, nồi (siêu) nấu lá xông chứ chưa biết làm nhiều mặt hàng đẹp như ngày nay" - bà Gạch tâm sự.

 Bà còn nói khá kỹ về thuật nung gốm truyền thống: Sau khi làm xong "phần tươi" phải đem sản phẩm phơi nắng mươi, mười lăm ngày  mới nung lửa. Khi nung, đồ lớn chất dưới, đồ nhỏ chất trên, lấy rơm phủ dày đốt đến khi gốm chín. Bà nói: "Người Chăm chúng tôi theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ là người chủ gia đình nên thuở xưa ông bà tổ Poklon Chanh chỉ truyền nghề cho phụ nữ. Đàn ông đào đất làm nguyên liệu, gánh rơm làm chất đốt. Làm gốm là cái nghiệp, sống ngày nào tôi giữ nghề ngày ấy".

 
anh-chinh-7945-1513057359.jpg

 2. Tôi cùng Đàm Ngọc Đêm đến nhà nghệ nhân Đàng Thị Phan. Dù không hẹn trước nhưng bà Phan không tỏ ra lúng túng trước khách lạ. Bà từng ba lần đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội thi tay nghề làm gốm, một lần đưa 50kg đất nguyên liệu lấy từ đồng Nú Lăng trộn với cát sông Quao sang Tokyo, Nhật Bản biểu diễn nghề gốm truyền thống Bàu Trúc. Tết Mậu Tuất sắp tới, nghệ nhân Đàng Thị Phan vào tuổi thất thập nhưng còn linh lợi lắm.

 Tay thoăn thoát vuốt nhẹ thanh tre lên mặt bình gốm đang ở giai đoạn hoàn chỉnh, thơm mùi đất đồng Nú Lăng, nghệ nhân Đàng Thị Phan chia sẻ: "Bà cố nội tôi là Đàng Thị Lành, bà nội Trương Thị Xuân, đến mẹ tôi và ngày nay tôi tiếp tục nối nghề làm gốm. Đến lúc chớm thì tôi vẫn chỉ biết đi học, giúp mẹ nấu cơm, quét nhà, nhưng từ năm 18 tuổi mẹ bắt đầu chỉ dạy cách làm đồ gốm. Nghề gốm là tài sản của người Chăm làng Bàu Trúc, không buông được".

 Bà Phan quả quyết: "Gốm truyền thống Bàu Trúc so với gốm truyền thống Nhật Bản khác biệt nhiều về nguyên liệu và kích cỡ. Gốm Nhật Bản tráng men, gốm Bàu Trúc thì 7 phần đất trộn với 3 phần cát, không tráng men. Đồ gốm truyền thống Nhật Bản cao lắm là nửa mét, đồ gốm Bàu Trúc có loại cao 3,5 mét".

 Từ làm gốm truyền thống, mười năm nay nghệ nhân Đằng Thị Phan phát triển thêm gốm mỹ nghệ, sáng tạo nhiều sản phẩm tinh xảo mang thương hiệu Champa - Phan, nổi tiếng ở cả nước ngoài.

 Để hiểu thêm quá trình phát triển nghề gốm Bàu Trúc, Đàng Ngọc Đêm đưa tôi sang cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ của nghệ nhân Đàng Xem. Cũng giống mấy trăm gia đình người Chăm làng Bàu Trúc, từ thời bà nội, mẹ và nay đến Đàng Xem tiếp nối nghề gốm, chỉ khác ở chỗ ông là một trong số ít đàn ông của làng theo nghề này từ sớm, lại tiên phong sản xuất gốm mỹ nghệ.

 Cách nay hai con giáp, Đàng Xem nhận thấy nếu cứ bám nghề gốm truyền thống, quanh quẩn với cái lu đựng nước, cái nồi kho cá, cái siêu sắc thuốc, chậu kiểng trồng bông thì người làm gốm làng Bàu Trúc không giàu nổi. Thế là Đàng Xem dấn thân vào cuộc. Ông ra Bát Tràng (Hà Nội), xuống Hải Dương, vô Bình Dương tìm hiểu kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ. Năm 2000, Đàng Xem bắt đầu sản xuất loại gốm đang được thị trường ưa chuộng này.

 
gom-cham-4110-1513057359.jpg

 Nghệ nhân Đàng Xem nâng cao một sản phẩm gốm mỹ nghệ đang hoàn thiện, tự tin nói: "Thành công của hôm nay đã minh chứng việc chuyển từ gốm truyền thống sang  gốm mỹ nghệ là một hướng đi hoàn toàn phù hợp. Tôi rất tự hào người làng Bàu Trúc đã phát triển nghề gốm mang tính hiện đại của thời hội nhập".

 Đợi Đàng Xem ngừng lời, Đàng Ngọc Đêm "bỏ nhỏ” với tôi: "Tỉnh Ninh Thuận đang tiến hành các thủ tục đề nghị Nhà nước vinh danh Đàng Xem là nghệ nhân ưu tú”.

 3. Những ngọn gió tung hoành từ đồng Nú Lăng bên triền sông Quao làm dịu sức nóng hai thanh ray xe lửa cung đoạn Cà Ná - Tháp Chàm chia làng Bàu Trúc thành hai phần. Nửa bên kia đường sắt xuyên Việt là cánh đồng Nú Lăng cặp bên triền sông Quao. Nửa bên này là cư dân người Chăm theo đạo Bàlamôn (Brahma) quần cư.

 Đứng trên đường đất dẫn ra đền thờ tổ nghề gốm Bàu Trúc Poklong Chanh, Đàng Ngọc Đêm chỉ tay ra phía dang cây nơi có bầy bò gặm cỏ, nói: "Chỗ đó cách sông Quao hơn trăm thước, là nơi đào đất làm gốm. Đã hàng trăm năm làng gốm khai thác đất đồng Nú Lăng nhưng không mất ruộng".

 Hèn chi, hồi sáng gặp tôi, ông Võ Đức Khanh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Phước Vân cho biết: Sau thu hoạch vụ lúa, bà con lại khỏa lớp đất mặt, đào đất tầng kế bên làm nguyên liệu sản xuất gốm. Ba tháng sau, đất tự nhiên lại khỏa đầy như cũ, tiếp tục làm lúa mùa kế. Cứ thế, đời này tiếp đời sau, đất làm gốm không bao giờ cạn.

 "Cô bác người Chăm làng Bàu Trúc có đức tin đặc biệt, nhờ ông bà Poklong Chanh phù hộ nên đất đồng Nú Lăng cứ đầy mãi" - Đàng Ngọc Đêm nói thêm.

 Ngôi đền thờ tổ nghề Poklong Chanh khiêm nhường ẩn dưới tàng cây trôm - một loại cây lấy mủ chế biến nước giải khát và chữa bệnh. Theo truyền thuyết, cách nay cả ngàn năm, vì thương dân làng Bàu Trúc nghèo khố, ông bà Poklong Chanh đã chỉ dạy nghề làm gốm cho phụ nữ. Điều này lý giải vì sao nghề làm gốm truyền thống Bàu Trúc trước đây chỉ dành riêng cho phái nữ.

 Nhớ ơn ông bà Poklong Chanh, người Bàu Trúc lập đền thờ. Xưa kia, đền thờ đặt trên gò đất ở cánh đồng Nú Lăng. Trận lụt lịch sử năm 1964 ở Ninh Phước khiến đền bị hư hại, dân làng phải đưa đền về khu đất trụ sở hợp tác xã Bàu Trúc bây giờ, thời gian sau mới chuyển ra khu đất hiện nay. Hằng năm, vào tháng 1, tháng 4, tháng 7 lịch Chăm (tương ứng tháng 4, 7, 10 Dương lịch) nhân làng Bàu Trúc mở cửa đền cúng ông bà Poklong Chanh.

 Riêng kỳ cúng tháng 7 lịch Chăm vừa qua, bà con làng Bàu Trúc còn đón mừng Tết Katê truyền thống. Niềm vui trong ngày hội Katê 2017 còn được nhân đôi bởi dân làng được đón nhận bằng chứng nhận nghệ thuật gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo doanhnhansaigon.vn
back to top