Phải làm rõ giá điện gồm những cái gì

Theo ông Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công thương, tình trạng độc quyền dẫn đến cửa quyền trong ngành điện đã tồn tại quá lâu, những yếu tố cần minh bạch để có giá điện hợp lý vẫn chưa được làm rõ nên người dân chưa đồng thuận, còn nhiều thắc mắc trong cách tính giá điện.

Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công thương

Độc quyền nên cửa quyền

Sau một thời gian sử dụng biểu giá điện bậc thang, những bất hợp lý đã xuất hiện khiến ngành điện phải cân nhắc tính toán lại. Sau đợt tăng tỉ giá, ngành điện muốn tăng giá bán điện để bù… Giá điện chỉ có tăng mà không giảm. Ông đánh giá thế nào về cách điều hành giá điện hiện nay?

Cũng là giá bán, ngành viễn thông giá cứ giảm dần, người dân đồng thuận rất cao và sử dụng dịch vụ không phàn nàn gì. Chiến lược của họ là giảm giá chứ không phải là tăng giá. Còn ngành điện, họ quen độc quyền quá lâu, mấy chục năm nay được bao cấp rồi.

Từ độc quyền dẫn đến cửa quyền. Đắt hay rẻ người ta đều phải mua, không mua thì thôi. Trong khi chuyển sang cơ chế thị trường, khách hàng là thượng đế thì ở đây, người bán hàng lại là thượng đế.

Theo ông bất cập nhất trong quản lý điều hành giá điện là gì?

Ai là người xác định cách tính giá điện như thế là đúng, là chính xác? Kiểm toán vào làm việc thì như “cưỡi ngựa xem hoa”. Tính như thế nào để minh bạch, công bố các con số đầu vào cấu thành giá, khi đó thì lãi lỗ thế nào người dân cũng ủng hộ.

Thế nhưng người ta băn khoăn vì không cái gì minh bạch cả. Thế nào là minh bạch, công khai, công khai cái gì, hay chỉ hô khẩu hiệu? EVN phân bổ chi phí xây biệt thự, sân tennis vào giá điện thì ai kiểm soát?

Tôi được biết là những yếu tố đầu vào này đã được công khai?

Người dân chưa được biết, có thể họ để trong những website nào đó thì người dân cũng không biết mà đọc được. Yếu tố nào nằm ngoài giá điện thì chưa ai rõ.

Sắp tới, tôi và một số chuyên gia có thực hiện một chuyên đề nghiên cứu vấn đề này, sẽ có báo cáo, thảo luận công khai. Hiện nay cách tính giá điện gồm các yếu tố gì? Ai là người tính giá, duyệt giá, công bố giá, dựa trên các văn bản nào…

Nhóm nghiên cứu sẽ làm rõ các thông số nào?

Ví dụ như tổng chi phí làm ra 1 kW điện là bao nhiêu tiền, để tính ra nó lại là một hệ thống công thức khác nhau, khâu truyền tải với chi phí thế nào, khấu hao ra sao, khâu vận hành, phân phối điện, quản lý, tiền lương công nhân, phúc lợi, tiền thưởng, quản lý ở các cấp như thế nào…

Tính toán chi phí sản xuất ra phải hợp lý và hợp lệ, đúng với các quy định hiện hành.

Làm sao để kiểm soát được việc EVN có đưa các chi phí khác vào giá điện không?

Người ta vẫn nói cơ quan sản xuất điện, mua, bán, truyền tải, đều vẫn chỉ là EVN. Nói chia ra nhiều nhưng vẫn chỉ một người quyết.

Rồi Bộ Công thương là người quản lý trực tiếp nhưng dường như ranh giới quản lý nhà nước không rõ ràng, người ta coi là một. Sau này khi điều chỉnh lại cách giá điện thì phải tính lại. Rồi cần phải có một tổ chức độc lập thực hiện việc giám sát, thanh kiểm tra để có một thị trường minh bạch.

Ngành điện sẽ không chịu thiệt

Vì sao lại chưa thể minh bạch?

Nếu còn độc quyền thì rất khó để minh bạch. Nếu để tồn tại thị trường cạnh tranh thì sẽ khác.

Theo ông có dễ để minh bạch không?

Có từng bước một, trong kỹ thuật tính toán có thể khó, nhưng hoàn toàn làm được. Cứ minh bạch từng bước, cái gì trước cái gì sau, nhưng phải làm, chứ không thể như thế này mãi.

Hình như năm 2016 sẽ có thị trường bán buôn điện cạnh tranh?

Đúng thế, sẽ có nhiều đơn vị mua lại để kinh doanh cạnh tranh. Thế nhưng nếu lại vẫn chỉ đạo từ trên xuống các “ông con” mua thì nó sẽ lại “hòa cả làng”.

Năm 2016 sẽ có khoảng 5 công ty mua điện, nhưng nếu vẫn là người của EVN thì cũng sẽ không có chuyển biến. Đã có nhiều ý kiến về việc tổ chức thị trường điện lực, tuy nhiên mong chờ sự đột biến thì chắc cũng còn lâu.

EVN cũng vừa công bố đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện trong đó phương án gây chú ý nhất là việc bán đồng giá 1.747.000 đồng/hWh, phương án này liệu có khả thi?

Hiện chúng ta vừa thiếu, vừa muốn tiết kiệm điện nên áp dụng biểu giá bán điện với nhiều mức khác nhau. Thực hiện 6 bậc như vừa qua rất rắc rối, khó tính toán, có chỗ bất công nên người ta làm khác đi.

Tôi nghĩ bản chất của các mức giá là giá điện tăng hay giảm, ai chịu thiệt? Chắc chắn là ngành điện không chịu thiệt. Không ai xây dựng biểu giá bán để nhận phần thiệt về mình.

Chỉ có điều mức tiêu thụ khác nhau thì được “dồn toa” lại. Người dùng dưới 50kWh, trong khoảng trên 50 kWh đến dưới 400kWh và trên 40kWh.

Vậy mấu chốt trong cách tính giá điện hợp lý là gì?

Đó chính là quản lý. Hiện nay dù người ta có quản lý dở hay tốt thì người dân vẫn phải chịu vào giá điện. Tới đây tôi cũng sẽ đề xuất.

Tôi xem lại thì thấy những nhà máy sản xuất điện, khi mua thiết bị máy móc thì tương đối hiện đại. Quản lý không tốt sẽ dẫn đến hiệu suất thấp, tốn kém nhiều nhiên liệu, lại tính vào giá điện bắt người dân phải chịu là không hợp lý. Nên tổ chức các kỹ sư chuyên nghiệp đi đo lại hiệu suất các nhà máy.

Ví dụ nhà máy này khi mới hoạt động thì chi phí hết khoảng 50gram than/kWh, nhưng giờ nó lên đến 600-700gram/kWh thì do đâu? Nếu là thế là do quản lý yếu kém chứ không phải do hoàn cảnh khách quan.

Đừng nói giá rẻ hơn

EVN vẫn nói rằng so với các nước khác, giá điện ở Việt Nam là rẻ hơn?

Rẻ hơn, đắt hơn trong tính toán như thế nào. Chúng ta sử dụng những tài nguyên sẵn có như nước, than, khí để sản xuất điện, trong khi đó ví dụ như Nhật Bản, họ phải nhập khẩu toàn bộ các nguyên liệu này để sản xuất điện, thì làm sao có chuyện giá bán điện của họ thấp được.

Thế nên việc so sánh phải tương đối chứ đừng nói như vậy. Rồi nhân công Việt Nam thấp hơn hàng chục lần so với một số nước khác, tính vào giá thành điện thấp hơn là đương nhiên.

Nhưng rõ ràng thấp hơn vẫn là thấp hơn?

Thấp hơn chưa chắc người dân đã được lợi hơn đâu. Phải tính đến tổng thu nhập của người dân ở mỗi nước. GDP của chúng ta còn quá thấp, chưa đến 2000 USD/người/năm, trong khi đó Singapo là 140.000 USD/người/năm, Malaixia là 10.000 USD/người/năm, Thái Lan là 8.000 USD/người/năm.

Tức là tiền điện so với tiền lương của mỗi gia đình thì người Việt Nam phải chi trả nhiều hơn chứ, cho dù giá điện là thấp hơn. Tính tỉ suất tương đối trên thu nhập của từng gia đình thì giá điện như thế là đắt chứ đâu phải rẻ. Đó là sự so sánh khập khiễng, chưa đủ lý lẽ.

Và dù có thế, ngành điện cũng đang có lãi?

Đến giờ đã có thể khẳng định giá bán điện không thấp, ngành điện không lỗ.

Câu chuyện tỉ giá tăng, ngành điện muốn tăng giá bù vào tỉ giá vừa rồi, ông có bình luận gì?

Ở đây có hai vấn đề, một là ngành điện đã được ưu tiên về tỉ giá. Các doanh nghiệp khác khi muốn đầu tư thì phải vay với lãi suất của ngân hàng, nhưng với ngành điện thì luôn được Nhà nước bảo lãnh cho vay.

Ngành khác vay 10% lãi suất thì ngành điện chỉ phải vay có 5%, như thế so với các ngành khác là đã rất lãi. Trong suốt một thời gian dài, ngành điện đã có thể kiếm được hàng nghìn tỉ đồng, lúc đó thì họ lại không nói gì. Giờ tỉ giá tăng lên một chút thì họ lại làm ầm cả lên đòi tăng giá điện để bù vào.

Thế thì đúng là bất hợp lý quá?

Bởi thế nên ngành điện vừa tuyên bố là từ giờ đến cuối năm sẽ không tăng giá điện. Nếu tăng giá điện theo tỉ giá, theo một chuyên gia kinh tế là ngành điện “mượn gió bẻ măng”, lợi đơn lợi kép. Nếu cần tính toán chính xác để cho ra giá bán điện hợp lý, các chuyên gia sẵn sàng vào cuộc để tính toán.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện nhằm lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, ngoài phương án giữ nguyên cách tính 6 bậc thang như hiện hành, EVN cũng đề xuất biểu giá điện sinh hoạt có thể được tính theo 2 cách khác. Phương án gây chú ý nhất là viêc bán đồng giá 1.747 đ/kWh. Đây cũng chính là giá điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt hiện nay. Với phương án này, EVN tính toán các hộ sử dụng dưới 240 kWh trong tháng sẽ tăng tiền điện phải trả. Hộ bị tác động cao nhất là sử dụng 100 kWh. Các hộ sử dụng trên 240 kWh sẽ được hưởng lợi.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top