Vi khuẩn độc hại chịu lạnh tốt, sinh độc tố mạnh
Vừa qua các thông tin cho thấy một trường hợp là ông Trương ở Trung Quốc phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội. Sau khi khám, bác sĩ cho hay ông bị tắc hoại tử ruột, phải phẫu thuật khẩn cấp.
Theo ông chia sẻ, nguyên nhân có thể do ăn dứa hấu bảo quản không đúng cách. Cụ thể, sau khi ăn dưa hấu xong, vì còn thừa nên đã đem cất vào tủ lạnh. Ngày hôm sau, sau khi đi làm về, đói nên ông đã lấy dưa trong tủ ra ăn. Nhưng sau đó, ông đã có những triệu chứng trên.
Trao đổi về các nguy cơ như trường hợp trên do ăn dưa hấu bảo quản trong tủ lạnh, TS Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho hay, điều này là có khả năng rất cao. Bởi, môi trường của dưa hấu là nhiều nước, hàm lượng đường vừa phải để cho các vi sinh vật gây ngộ độc phát triển mạnh. Đặc biệt, khi cho dưa vào tủ lạnh nhưng không bọc lại kín và để gần các thực phẩm tươi sống, hay thậm chí các ngăn luôn dùng bảo quản đồ ăn tươi sống như thịt cá… nguy cơ càng cao.
“Khi bảo quản dưa không đúng cách trong tủ lạnh như nói ở trên không chỉ nhiễm khuẩn nhanh. Mà, các vi sinh vật gây ngộ độc bao giờ cũng chịu được nhiệt độ lạnh, sinh độc tố rất mạnh. Vì thế, nguy cơ ăn vào và bị ngộ độc cao, bệnh nặng là dễ xảy ra”, TS Hoàng Thị Lệ Hằng phân tích.
Có nên rửa hoa quả trước khi bảo quản?
Theo vị chuyên gia này, việc bảo quản đúng cách trong tủ lạnh rất quan trọng. Đừng nghĩ, cho vào tủ lạnh là đã an toàn. Thay vào đó, càng bảo quản tốt thì không những ngăn ngừa nhiễm khuẩn mà còn kéo dài thời gian ăn, giảm thiểu tình trạng suy giảm chất dinh dưỡng.
Cụ thể, hoa quả đã bóc ra, gọt vỏ, nếu ăn không hết, cho vào tủ lạnh cần bọc kín bằng màng bảo quản hoặc cho vào hộp kín. Cố gắng ăn hết càng sớm càng tốt. Tránh để qua ngày hôm sau. Bởi lúc này các tế bào đã phơi nhiễm vi khuẩn.
Các loại quả nguyên vẹn, còn vỏ, cần cho vào túi buộc kín lại. Không để vào rổ rá, hay túi mà không có lớp bọc phía ngoài. Bảo quản trong túi kín không chỉ ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Còn có ý nghĩa khác là đình chỉ quá trình sinh lý sinh lý của quả. Như hạn chế mất nước, hạn chế hô hấp dẫn đến tiêu hao các chất dinh dưỡng phục vụ quá trình sống.
Riêng đối với câu hỏi: Nên rửa hay không trước khi bảo quản hoa quả trong tủ lạnh? TS Hoàng Thị Lệ Hằng phân tích kỹ về vấn đề này như sau.
Đối với nước ngoài, người ta hay khuyến cáo không rửa trước khi bảo quản. Bởi môi trường của họ sạch, ít nguy cơ nhiễm khuẩn, quá trình trồng đảm bảo an toàn, thu hái sạch sẽ.
Ngược lại ở nước ta cần rửa trước khi bảo quản. Bởi, khi trồng có thể bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Nếu bảo quản không rửa, các chất này sẽ đi sâu vào thịt quả, gây ngộ độc. Khi thu hái, chúng ta thường có xu hướng bỏ xuống đất, đồ thu hái không sạch. Nếu không rửa dễ bị nhiễm tạp chất. Hơn nữa, vi sinh vật trong môi trường của ta quá nhiều, nên càng phải rửa.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nên áp dụng cách rửa sau đây. Nên dùng nước muối loãng hoặc nước sạch nhằm loại bỏ bớt vi sinh vật trên bề mặt. Khi rửa cần nhẹ nhàng, tránh trầy xước vỏ và làm mất chất chát bên ngoài vỏ. Sau đó để quả khô và cho vào túi bảo quản tủ lạnh. Khi ăn, chúng ta đưa ra và rửa lại lần nữa.
“Các loại hoa quả khác cũng có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn tương tự như dưa hấu khi bảo quản tủ lạnh. Nhất là các loại hoa quả có hàm lượng ngọt cao, độ pH cao, axit thấp như sầu riêng, bơ… Các loại quả có độ axit cao, chua thì khả năng bị vi khuẩn xâm nhập thấp hơn. Do đó cũng hạn chế thối hỏng. Ví ổi có hàm lượng axit cao, lại chứa tanin nên hạn chế vi khuẩn tốt”.
Hiền Dung