"Báo động đỏ" dịch sởi có thể đe dọa toàn cầu

22 quốc gia đã bắt đầu có những đợt bùng phát dịch sởi lớn với 9 triệu ca mắc, 128.000 ca tử vong trong năm 2021. WHO ước tính hiện toàn cầu có gần 40 triệu trẻ em đang đứng trước nguy cơ bị nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng do dịch sởi.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết hiện nay, bệnh sởi đang lan rộng ở nhiều khu vực và là mối đe dọa sắp xảy ra trên khắp toàn cầu.

Theo WHO, nguyên nhân gây ra sự tái bùng phát của dịch sởi - một trong những dịch bệnh nghiêm trọng nhất đối với trẻ em - là sự gián đoạn các chiến dịch vắc-xin do đại dịch COVID-19.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi đã giảm dần kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Năm 2021, lỗ hổng vắc-xin đạt mức cao kỷ lục với gần 40 triệu trẻ em bỏ lỡ liều vắc-xin sởi, trong đó 25 triệu trẻ bỏ lỡ liều đầu tiên và 14,7 triệu trẻ em bỏ lỡ liều thứ hai, theo thống kê chung của WHO và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ CDC)

Vào năm 2021, dấu hiệu dịch sởi quay trở lại đã bắt đầu với khoảng 9 triệu ca mắc và 128.000 ca tử vong do bệnh sởi trên toàn thế giới trong bối cảnh 22 quốc gia trải qua những đợt bùng phát lớn và gây gián đoạn.

Bệnh sởi rất dễ lây lan và hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin. Tuy nhiên, bệnh sởi đòi hỏi tỉ lệ bao phủ vắc xin là 95% để ngăn chặn sự bùng phát trong cộng đồng.

Tổng giám đốc WHO đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ nhiều trẻ em phải đối mặt do bỏ lỡ "liều vắc-xin cứu mạng" - Ảnh: REUTERSTổng giám đốc WHO đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ nhiều trẻ em phải đối mặt do bỏ lỡ "liều vắc-xin cứu mạng" - Ảnh: REUTERS

Trưởng ban bệnh sởi của WHO, tiến sĩ Patrick O'Connor, nói với Hãng tin Reuters: Mặc dù các ca mắc sởi vẫn chưa tăng đột biến so với những năm trước, nhưng bây giờ là lúc phải hành động. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở ngã tư đường. Sẽ mất 12-24 tháng rất khó khăn để làm giảm sự lây lan của bệnh".

Ông O'Connor cho biết sự kết hợp của các yếu tố, chẳng hạn như các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài và tính chất chu kỳ của bệnh sởi - có thể giải thích tại sao vẫn chưa có sự bùng nổ các ca bệnh, mặc dù khoảng cách miễn dịch ngày càng lớn.

Tuy nhiên theo ông, những điều trên có thể thay đổi nhanh chóng bởi bản chất dễ lây lan của bệnh.

Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc đã chứng kiến ​​sự gia tăng các đợt bùng phát lớn kể từ đầu năm 2022, đặc biệt ở các vùng châu Phi cận Sahara.

Tuần trước, Sở Y tế công cộng ở thành phố Columbus, bang Ohio (Mỹ) đã báo cáo một đợt bùng phát bệnh sởi với 24 trường hợp mắc bệnh. Tất cả những trường hợp đó đều ở trẻ chưa được tiêm ngừa.

Một ca bệnh sởi thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt, nhưng đặc trưng của căn bệnh này thường là hiện tượng phát ban. Thường ban bắt đầu lan ra từ mặt và cổ sau vài ngày.

Theo WHO, vi rút có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt trong tối đa 3 giờ. Một người bị nhiễm bệnh có thể truyền vi rút trong vòng 4 ngày trước và sau khi phát ban.

Hiện nay không có thuốc kháng vi rút đặc hiệu để điều trị bệnh sởi.

WHO ước tính hiện toàn cầu có gần 40 triệu trẻ em đang đứng trước nguy cơ bị nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng do dịch sởi.

Theo Đời sống
back to top