Bài tập phục hồi chức năng sau đột quỵ

Người bệnh đột quỵ cần được chăm sóc phục hồi chức năng kết hợp liên tục bắt đầu tại bệnh viện ở giai đoạn cấp.

Bên cạnh đó, để giúp xử lý tốt nhất nhiều loại rối loạn về thể chất, nhận thức và cảm xúc, người bệnh cần được chủ động theo dõi cũng như hỗ trợ khi chuyển qua các giai đoạn phục hồi chức năng bán cấp và mạn tính.

xoa-bop-phuc-hoi.jpg

Phục hồi vận động đúng cách trong giai đoạn này giúp hạn chế mức độ trầm trọng của những rối loạn như mất cơ chế phản xạ chỉnh thể bình thường của bên liệt, khuynh hướng tăng co cứng bên liệt, rối loạn cảm giác bên liệt làm ức chế vận động và góp phần rất lớn vào hiệu quả điều trị về sau.

Việc phục hồi tập trung vào 2 mục tiêu tập luyện giúp vận động vùng cơ bị liệt, đồng thời tập luyện chống tình trạng co cứng cơ.

Việc tập luyện được thực hiện ở những tư thế khác nhau: Nằm, ngồi, đứng, tập vận động trên đệm, tập lăn...

Tập chuyển tư thế từ nằm sang quỳ chống tay: Tập vận động ở tư thế quỳ. Tập đứng lên. Bệnh nhân cần chú ý trong khi tập luôn phối hợp chặt chẽ với thở sâu.

Phòng ngừa co rút khớp vai: Nằm ngửa, cài các ngón tay 2 bên vào nhau, ngón cái bên liệt ở ngoài ngón cái bên lành. Duỗi thẳng 2 tay ra trước, đưa 2 tay lên quá đầu cho đến khi 2 tay chạm vào mặt giường hoặc sàn nhà rồi đưa tay xuống phía chân.

Phòng ngừa khuỷu tay, cổ tay và ngón tay bị co rút: Bệnh nhân đứng cạnh bàn, cài các ngón tay 2 bên vào nhau. Xoay ngửa lòng bàn tay và áp lòng bàn tay xuống mặt bàn. Duỗi thẳng 2 tay, ngả người về phía trước để dồn trọng lượng lên 2 tay cho tới khi khớp cổ tay duỗi tối đa.

Bệnh nhân ngồi, dùng tay lành làm duỗi các ngón tay bên liệt và làm duỗi cổ tay. Sau đó đặt xuống mặt giường cạnh thân, dùng tay lành giữ khớp khuỷu bên liệt duỗi thẳng và nghiêng người sang bên liệt để dồn trọng lượng lên tay liệt.

Cài các ngón tay 2 bên vào nhau, đưa 2 bàn tay lên sát cằm, dùng lực của bàn tay làm duỗi tối đa cổ tay bên liệt. Có thể tựa vào má và cằm và giữ yên trong một thời gian lâu.

Phòng ngừa co cứng chân ở tư thế duỗi: Nằm ngửa, cài các ngón tay 2 bên vào nhau, co 2 gối lại và vòng 2 tay qua 2 gối, kéo 2 gối về phía ngực và nâng đầu lên; sau đó, trở về vị trí ban đầu.

Phòng ngừa co rút gân gót và gấp ngón chân: Dùng một cuộn băng đặt dưới ngón chân bên liệt, sau đó đứng lên, bước chân lành ra phía trước, phía sau. Có thể vịn vào một chỗ tựa nếu đứng chưa vững.

Giảm trương lực cơ: Giai đoạn đầu của đột quỵ, trương lực cơ giảm ở một bên cơ thể, có thể ở chi trên, chi dưới, thân mình và đầu/cổ. Hậu quả của giảm trương lực cơ có thể là nguy cơ chấn thương cao và mất vận động chức năng. 

Để khắc phục, nên cẩn trọng khi cầm nắm hoặc di chuyển để phòng ngừa chấn thương và tạo thuận lợi cho hồi phục vận động.

Khuyến khích chịu trọng lượng, tránh nằm giường lâu và khuyến khích tư thế ngồi, đứng thẳng tùy thuộc vào sự ổn định nội khoa, khuyến khích các vận động chủ động và chủ động có trợ giúp.

Tăng trương lực cơ (co cứng): Thường gặp ở giai đoạn mạn của bệnh. Để phòng ngừa co cứng, cần loại bỏ những yếu tố kích thích, làm nặng thêm co cứng, ví dụ: bàng quang bị căng, loét ép. Kiểm soát đau và xem lại tư thế và chỗ ngồi. Có thể sử dụng các loại bột, nẹp, kéo dãn thụ động, tiêm phong bế thần kinh; thuốc uống...

Rối loạn cảm giác ý: Các thay đổi về cảm giác có thể xảy ra ở 85% người bệnh đột quỵ. Khiếm khuyết cảm giác có thể dẫn đến giảm vận động chủ động và làm tăng nguy cơ tổn thương do chấn thương như té ngã, bỏng… Để khắc phục, cần tập luyện chuyên biệt về cảm giác. Khuyến khích theo dõi cơ thể khi bị mất cảm giác.

Ảnh hưởng chức năng chi trên: Trong đột quỵ, chi trên có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn chi dưới. Khuyến khích tập lặp lại tác vụ như vươn tới, nắm bắt, chỉ, di chuyển và kéo đồ vật trong các bài tập chức năng.

Đeo nẹp đối với người bệnh đột quỵ có nguy cơ bị co rút hoặc đã bị co rút, trị liệu với gương, tập luyện với hỗ trợ bằng robot…

Ảnh hưởng của đột quỵ lên sức khỏe và cuộc sống mỗi người bệnh là khác nhau. Người bệnh cần được thầy thuốc thăm khám kỹ và đánh giá, từ đó có kế hoạch khắc phục từng bước.

Hiện có nhiều bài tập, kỹ thuật phục hồi, máy móc, dụng cụ cùng với sự nỗ lực của bệnh nhân, sự hỗ trợ gia đình hầu mang lại sức khỏe thể chất, tinh thần cải thiện và hồi phục tốt nhất cho người bệnh.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top