20 - 30% bệnh nhân sau đột quỵ cần chăm sóc toàn diện
Đột quỵ gây ra những hậu quả vô cùng to lớn với tỷ lệ tử vong 18 - 35% và 20 - 30% cần sự chăm sóc toàn diện trong năm đầu sau đột quỵ.
20 - 30% bệnh nhân cần sự chăm sóc toàn diện trong năm đầu sau đột quỵ. Trong ảnh: Bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng. |
Theo BS Trần Trung Thành, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, đột quỵ gồm đột quỵ xuất huyết (haemorrhagic stroke, chiếm 15 - 20%) và đột quỵ thiếu máu cục bộ (Ischaemic stroke, chiếm từ 80 - 85%). Đây là tình trạng bệnh cần phát hiện khẩn cấp để có liệu pháp cứu chữa kịp thời.
Trong những năm gần đây, người ta ghi nhận tỷ lệ mới mắc đột quỵ giảm 42% ở các nước thu nhập cao. Ngược lại, tăng hơn 100% ở các nước thu nhập thấp. Nguyên nhân gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ hầu như liên quan đến tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì ít vận động. Xuất huyết não phần lớn là do cao huyết áp và các nguyến nhân ít gặp hơn như vỡ dị dạng mạch máu não, bệnh thoái hóa mạch máu, rối loạn đông máu…
Theo các chuyên gia, diễn tiến tự nhiên thường gặp ở những bệnh nhân còn sống sót sau đột quỵ, chức năng thần kinh bắt đầu hồi phục sau vài ngày đầu tiên và tiếp tục hồi phục nhanh chóng 3 tháng đầu; chậm dần trong 6 - 12 tháng tiếp theo và một ít trong 1 - 2 năm sau đó. Kiểu cách hồi phục thay đổi khác nhau ở từng bệnh nhân.
Trong đó, nguy cơ tàn phế trong năm đầu sau đột quỵ sẽ có đến 20 - 30% cần sự chăm sóc toàn diện, 20 - 30% phụ thuộc vào những người khác cho những sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, thay đồ, di chuyển.
Những yếu tố chỉ điểm cho sự phục hồi chức năng kém gồm: Tiểu không kiểm soát, kiểm soát tư thế kém, rối loạn chức năng nhận thức, khả năng di chuyển kém, rối loạn chức năng nhận thức không gian - thị giác, mất cảm giác sâu và mất vận động nặng nề.
Hoạt động trị liệu trong đột quỵ não
Theo nghiên cứu trên 3 triệu người bị đột quỵ não ở Mỹ, tới 70% có khuyết tật về chức năng, đặc biệt chức năng sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, mặc quần áo… Một số nghiên cứu khác cho thấy sau đột quỵ, > 80% bị yếu vận động/bại nửa người; 1/3 không thể đi lại; 1/3 bị tàn tật nặng. Trong đó, sự ảnh hưởng của chi trên đối với sinh hoạt hàng ngày trong đột quỵ não là rất lớn.
Tuy nhiên, hồi phục chi trên sau đột quỵ rất kém với tỷ lệ 60% bệnh nhân mất chức năng của tay 1 tuần sau đột quỵ không hồi phục. 18 tháng sau đột quỵ, 55% bệnh nhân mất chức năng hoặc hạn chế chức năng của tay. 4 năm sau đột quỵ, chỉ 50% có chức năng từ khá tới tốt.
Tất cả bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp nên được bắt đầu vận động sớm nếu không có chống chỉ định. (Ảnh minh họa) |
Theo các khuyến cáo, tất cả bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp nên được bắt đầu vận động sớm (trong vòng 24 - 48 giờ sau khi đột quỵ khởi phát) nếu không có chống chỉ định. Chống chỉ định vận động sớm bao gồm: các bệnh nhân làm các thủ thuật can thiệp có đâm kim vào động mạch, tình trạng nội khoa không ổn định, độ bão hòa oxy thấp, và gãy hoặc chấn thương chi dưới.
Do vậy, cải thiện tiến triển trong quá trình hồi phục vận động sau đột quỵ nhờ:
- Bắt đầu sớm, nhưng không quá sớm
- Bệnh nhân có nhiều động lực
- Cường độ cao/lặp lại nhiều lần, tần suất cao
- Tập luyện vào vấn đề cụ thể tốt hơn các bài tập chung
- Có tác dụng tốt hơn ở các bệnh nhân có di chứng vận động vừa phải
- Tập luyện bổ sung
Theo BSCKII Nguyễn Đăng Khoa, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, thời lượng tập trong ngày càng nhiều thời gian nếu có thể bao gồm vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu (ít nhất 3 giờ) trong đó bài tập tác vụ nên > 2 giờ và nên áp dụng lớp tập xoay vòng để tăng thời gian tập.
Các bài tập có thể là ngồi với lấy đồ rồi đứng với lấy đồ; đứng lên ngồi xuống; bệnh nhân nên thực hiện bài tập đi bộ với băng truyền có đai nâng đỡ hoặc không.
Nếu bệnh nhân có thể vận động chủ động duỗi cổ tay, ngón tay, nên tập chủ động 2 giờ/ngày trong 2 tuần kết hợp tập ép buộc 6 giờ/ngày…
Cường độ tập luyện phải nhẹ nhàng trong giai đoạn cấp, tăng tiến dần trong giai đoạn sau. Trị liệu kết hợp giữa vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và âm ngữ trị liệu và các chuyên ngành khác như dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được ưu tiên sử dụng các thuốc bảo vệ thần kinh; ngoài ra cần các thuốc phòng ngừa đột quỵ thứ phát trong nhồi máu não như hạ áp, ức chế kết tập tiểu cầu
Với sự phát triển của chuyên ngành phục hồi chức năng nói chung và phục hồi chức năng thần kinh nói riêng, rất nhiều bệnh nhân đã có được sự hồi phục ngoạn mục.