Bị đột quỵ nhưng tử vong vì sợ “Covid-19”
PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, nắng nóng khiến đột quỵ gia tăng, nhưng cơ hội sống của người bệnh bị mất do sợ Covid-19 mà không đến viện khám. Trong những ngày này ông luôn nhận được những tin nhắn đau lòng.
Có người báo tin: Buồn quá, bạn thân em vừa đột tử 9h tối qua khi chưa tròn 40, gia đình nói bị đau tức ngực và mệt mỏi mấy ngày rồi, vẫn đi làm và cũng sợ bị bệnh tim, nhưng không dám đi bệnh viện vì sợ Covid-19 hơn...
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện E. |
Lại có đồng nghiệp nhắn: Bệnh nhân 55 tuổi đột quỵ từ chiều nay, giờ đang hôn mê sâu, chúng em đã sàng lọc xong, may quá Covid-19 âm tính, giờ đã sắp sang giờ thứ 6 rồi, chuyển lên bệnh viện trung ương mất 2 giờ nữa, trên đó sàng lọc tiếp không ạ và khi chắc chắn âm tính lần 2 thì còn cơ hội cứu chữa đột quỵ không ạ?...
Tương tự, tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, ThS.BS Phan Thảo Nguyên, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch cảnh báo, nắng nóng “sốc nhiệt” làm gia tăng đột quỵ, đặc biệt là ở những người trẻ khỏe, không có tiền sử bệnh lý nền. Vào những ngày nắng nóng năm 2020, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Tim mạch thường phải cấp cứu cho 3 người bị đột quỵ do nắng nóng. Nhưng năm nay vì sợ Covid-19 và do chỉ nhận bệnh nhân cấp cứu nên số lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện giảm hơn nhưng số ca tử vong ngoài viện lại tăng cao. Chẳng hạn, một bệnh nhân nữ 31 tuổi, sau khi xuống máy bay thì bị đột quỵ và chết trên đường tới viện. Hay 1 bệnh nhân nam 41 tuổi, bị đau đầu nhưng không đi khám, tự mua thuốc về uống nhưng tới thềm nhà thì ngã quỵ và cũng ra đi trước khi được cấp cứu...
Tránh sốc nhiệt
ThS.BS Phan Thảo Nguyên cho biết, khác với đột quỵ do nắng nóng ở người già thường do các bệnh lý nền như tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, tim mạch... ở người trẻ (đa phần 25 - 30) tuổi là do dị dạng mạch máu não. Triệu chứng của bệnh không điển hình, giống như say nắng, đau đầu nên người bệnh chủ quan, nhưng lại gây chết người nếu không được xử lý thật nhanh.
Theo ThS.BS Phan Thảo Nguyên, người trẻ là đối tượng lao động, vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40 - 50 độ C, trong khi nhiệt độ trong nhà thấp hơn, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây ra mối nguy cơ, hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe.
Vì vậy, để tránh đột quỵ do sốc nhiệt, cần phải tránh hiện tượng chênh lệch nhiệt độ đột ngột:
+ Không trực tiếp đi ngay vào phòng có điều hòa, mà phải đi vào phòng đệm trước đó.
+ Không nên sử dụng điều hòa với mức nhiệt độ quá thấp, nên duy trì ở khoảng 27 độ, tránh chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với môi trường bên ngoài.
+ Ngoài ra các biện pháp như che chắn cơ thể khi đi ra ngoài đường để tránh bị tăng thân nhiệt, không tắm nước lạnh ngay khi vừa đi ngoài trời nắng vào…
Hơn nữa, để tránh đột quỵ, người dân cần duy trì một lối sống lành mạnh, giữ cân nặng lý tưởng, không ăn mặn, hạn chế chất béo, uống đủ nước, tăng cường ăn rau củ quả và dành thời gian tập thể dục đều đặn mỗi ngày khoảng 30 - 45 phút.