Cây bạch cập mọc hoang dại ở nhiều vùng đồi núi của nước ta như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai…cũng được trồng để làm cảnh và lấy củ làm thuốc chữa bệnh. Thân rễ (thường gọi là củ) là bộ phận dùng làm thuốc duy nhất của bạch cập được thu hái tốt nhất vào mùa thu đông, cắt bỏ gốc thân và rễ con, rửa sạch, đem đồ hoặc nhúng vào nước sôi cho đến khi mặt trong và thân rễ có màu trắng đục, rồi bóc vỏ ngoài phơi nắng nhẹ hoặc sấy nhỏ lửa cho khô.
Thứ củ mập dày, màu trắng đục, chất đặc rắn là loại tốt. Thành phần hóa học của bạch cập gồm tinh bột 30%, chất nhầy và ít tinh dầu.
Trong y học cổ truyền, bạch cập có vị đắng, ngọt, hơi dính, tính lạnh, không độc, có tác dụng bổ phổi, cầm máu, sinh cơ, làm tan máu ứ, hàn vết thương... được dùng điều trị những ca chọn lọc về loét dạ dày tá tràng.
Chữa loét dạ dày, phân đen: Bạch cập 40g, trầm hương 20g, hoài sơn 20g (sao). Tất cả tán thành bột mịn, mỗi lần uống 12 - 20g vào lúc đói.
Chữa chảy máu dạ dày: Tam thất 50g, bạch cập 60g. Cả hai tán nhỏ mỗi lần uống 6g với nước sôi để nguội, ngày uống 3 lần, cần uống trong nhiều ngày.
Chữa ho, phổi kết hạch: Bạch cập 200g sấy khô tán nhỏ ngày uống 2 lần. Mỗi lần 12g với nước sôi để nguội. Cần dùng liền trong nhiều ngày.
Chữa ho thổ ra máu: Bạch cập 15g, cỏ mực 10g, mạch môn 8g, thiên môn 6g, cát cánh 6g. Sắc uống ngày 3 lần, mỗi lần 60ml nước thuốc đặc, ngày 1 thang, cần uống liền 5 – 7 ngày.
Chữa ho suyễn nhiều đờm: Bạch cập 10g, cát cánh 5g, mạch môn 5g, trần bì 6g. Sắc uống như bài trên.
Chữa bỏng: Bạch cập 100g, dầu vừng 200ml. Bạch cập tán nhỏ cho vào dầu vừng bôi vào vết bỏng, ngày bôi 2 lần.
BS Nguyễn Văn Quang (Hội Nam y Việt Nam)