Ba loại cây cảnh dễ gây độc cho người

Vạn niên thanh, mướp sát và đậu biếc được xem là những cây cảnh hay được nhiều người trồng trong nhà. Tuy nhiên, cần cảnh giác bởi có thể cây cảnh dễ gây độc cho người trong nhà bạn.

Cây vạn niên thanh trồng trong nhà

Vạn niên thanh:

Có 2 cây được gọi là vạn niên thanh. Một là Co vo dinh (Thổ), han phan (Lào), kom ponh (Campuchia).         Tên khoa học: Aglaonema siamense Engl., thuộc họ Ráy Araceae. Cây này mọc hoang dại và được trồng ở khắp nơi trong nước ta làm cảnh, trong các phòng khách vì cây chịu bóng. Người dân một số vùng dùng làm thuốc chữa rắn cắn, sưng đau cổ họng, đắp chữa lòi dom, mụn nhọt. Tuy nhiên cây này thuộc họ Ráy nên có tinh thể calci oxalat hình kim, nếu trẻ em nhai nuốt phải thì có thể gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa trên gây ngứa, khó chịu,…

Còn cây vạn niên thanh còn gọi là thiên niên vận, đông bất điêu thảo, cửu tiết liên với tên khoa học: Rhodea japonica Roth., thuộc họ Hành tỏi Liliaceae.

Cây này ít thấy ở nước ta, chủ yếu trồng ở Trung Quốc và Nhật Bản để làm cảnh và làm thuốc. Cây này có tác dụng làm mạnh tim gần như digitoxin, nhưng tích lũy lâu, do đó độc tính cao. Đối với bộ máy tuần hoàn, nó làm tăng co  bóp cơ tim, tăng huyết áp; đối với hệ thống thần kinh thì nó gây nôn do kích thích trung khu nôn; nó còn có tác dụng kích thích tại chỗ làm nơi tiêm phát đỏ, viêm tấy, khi uống thì gây nôn.

Cây mướp sát: Còn gọi là sơn dương tử, hải qua tử. Tên khoa học: Cerbera odollam Gaertn (Cerbera manghas L., Tanghinia odollam G. Don), thuộc học Trúc đào Apocynaceae. Đây là cây nhỡ hay to, thường mọc hoang tại các vùng ẩm thấp và ven biển miền Trung, miền Nam. Hiện có nhiều người đưa cây này về trồng ở bờ rào, vườn nhà. Cây này trước đây người ta dùng để đầu độc. Toàn cây có nhựa mủ hơi độc, nhưng hạt thì rất độc do có chứa chất glycosid xecberin, chất này dùng liều cao có thể gây suy tim.

Cây đậu biếc: Còn gọi là Đậu hoa tím hay Bông biếc.     Tên khoa học Clitoria ternatean, thuộc họ Đậu Fabaceae. Cây Đậu biếc là loại thảo, leo, thân và cành mảnh có lông. Lá kép, hình trái xoan. Hoa mọc đơn độc ở nách lá, có 2 lá bắc con hình tròn. Đài liền nhau hình ống, cánh có màu xanh biếc có một điểm vàng nhạt ở giữa, 10 nhị xếp thành 2 bó. Bầu có lông. Quả đậu biếc dẹt, có 5 – 10 hạt dẹt, màu đen bên trong.

 Cây Đậu biếc thuộc loài liên nhiệt đới, ở nước ta cây thường mọc hoang với những bông hoa leo trèo nghịch ngợm ở bờ rào. Cây cũng được trồng ở các vườn gia đình để làm cảnh, leo giàn hiên nhà và để lấy quả. Có nơi trồng rất nhiều dùng làm cây phân xanh, cây che phủ đất và cải tạo đất. Cây chịu nắng và hạn được trồng bằng hạt. Ra hoa vào tháng 6 đến tháng 8, kết quả từ tháng 9 đến tháng 11.

          Bộ phận chứa chất độc của cây Đậu biếc là hạt và rễ. Trong thành phần của hạt chứa các acid amin và một loại dầu độc dùng làm thuốc tẩy. Rễ có vị chát, đắng, chứa các chất có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, gây xổ, làm dịu và săn da.

Tác dụng dược lý: ở một số quốc gia rễ và hạt cây Đậu biếc được dùng làm thuốc, ở liều cẩn thận có tác dụng giải nhiệt. Tại Indonexia, dùng trị bệnh lao phổi, đau ngực, ho và viêm lở ngoài da. Tại Philippin, người ta nghiền hạt pha thành thuốc gây xổ có hiệu quả nhanh, lá dùng đắp chữa mụn mủ ngòai da. Ở Ấn Độ, người ta còn dùng cây trị nọc rắn cắn.

Đã có những ghi nhận các ca ngộ độc ăn hạt đậu biếc. Bởi như trên đã nói hạt đậu biếc chứa khoảng 12% chất dầu có khả năng gây độc khi nhai nuốt phải. Ngộ độc xảy ra ở trẻ em khi ăn phải nhiều hạt. Tác dụng kích thích niêm mạc tiêu hóa gây nôn mửa, tiêu chảy nặng. Nhà có trẻ nhỏ, trồng cây đậu biếc phải cẩn thận nhắc nhở các cháu không chơi, không ăn hạt đậu biếc để tránh ngộ độc.

 ThS Lê Thanh Bình, Đại học Dược Hà Nội.

Theo Đời sống
back to top