Hỏi: Em đang nuôi con nhỏ nhưng thường xuyên bị tắc tia sữa. Mới đây, em sờ thấy ngực có u cục, đi khám thì được chẩn đoán áp xe. Xin hỏi, áp xe có phải do tắc tia sữa tạo thành, cách điều trị và nguy cơ biến chứng của bệnh?
Lê Thị Hường (Hưng Yên)
BSCKII Nguyễn Quốc Dũng, Bệnh viện K T.Ư: Sữa được tạo ra ở các nang sữa nhỏ trong tiểu thùy tuyến vú theo các ống dẫn sữa đổ về trung tâm phía sau núm vú (xoang chứa sữa). Bình thường, dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài.
Trong trường hợp vì một lý do nào đó các ống dẫn sữa bị hẹp hoặc bít tắc (do chèn ép từ bên ngoài hoặc tắc trong lòng ống), làm cho sữa không thoát ra ngoài như bình thường được. Trong khi đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn sữa trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa kế cận và tạo ra các vòng xoắn bệnh lý, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.
Sữa mẹ là môi trường giàu dinh dưỡng nên sau khi có hiện tượng tắc tia sữa, ứ sữa khu trú, nếu không được can thiệp và điều trị đúng cách sẽ là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển, gây bệnh. Trong đó, các loại vi khuẩn thường gặp nhất là Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus); Liên cầu (Streptococcus)…
Giai đoạn viêm cấp: Đau nhức vú tại chỗ viêm hoặc toàn bộ vú; Sưng nề vú, sờ thấy cục, khối; Sốt nhẹ hoặc sốt cao.
Giai đoạn áp xe hóa (mủ hóa): Có một hoặc nhiều ổ mủ một bên hoặc hai bên vú; Hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân: sưng nóng đỏ đau tại vú, sốt cao, rét run…; Có thể thấy mủ chảy ra đầu núm vú.
Áp xe vú nếu không được điều trị sớm kịp thời sẽ dẫn đến: Xơ cứng mô vú mạn tính; Hoại tử mô vú và tổ chức da, dưới da; Nhiễm trùng toàn thân, có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị giai đoạn viêm cấp: thông tắc tia sữa điều trị nội khoa. Giai đoạn áp xe: Dẫn lưu ổ áp xe dưới hướng dẫn siêu âm, kết hợp điều trị nội khoa.