Hoàn lưu áp thấp nhiệt đới cùng không khí lạnh mạnh gây mưa to từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, lũ sẽ lên xấp xỉ báo động 3.
Khu vực trũng thấp như TP Huế có thể bị ngập do mưa lớn.
Chiều 19/11, sau khi đi vào Ninh Thuận – Bình Thuận gây mưa to, gió mạnh cấp 6, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Kigori tiếp tục yếu đi và tan dần.
Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận đã có mưa rất to, với lượng 50-70 mm. Một số nơi mưa lớn hơn, như: An Nhơn (Bình Định) 100 mm, Quy Nhơn (Bình Định) 110 mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 80 mm…
Trong khi đó, không khí lạnh đã tràn đến Trung Trung Bộ gây mưa rất to cho Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Tại Thừa Thiên Huế, trong ba giờ tối 19/11, lượng mưa ở Tà Lương lên tới 163 mm, Bạch Mã 91 mm.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, từ đêm 19/11 vùng mưa mở rộng đến Bắc Trung Bộ. Lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến bắc Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum sẽ lên.
Sớm mai, lũ sông Kôn ở Bình Định, sông Kỳ Lộ ở Phú Yên sẽ đạt đỉnh với mức báo động 2-3. Lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai tiếp tục lên.
Đến khoảng 7h ngày 20/11, mực nước sông Bồ (Thừa Thiên Huế), Trà Khúc (Quảng Ngãi) gần báo động 3; sông Kôn, Kỳ Lộ xuống còn trên báo động 2.
Lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp có thể xảy ra tại các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên.
“Hiện Trung Bộ, Tây Nguyên có nhiều hồ chứa xung yếu, nhiều hồ đầy nước, nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ này”, cơ quan khí tượng cảnh báo.
Ngày 16/11, một vùng áp thấp hình thành phía đông Philippines, sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, vượt qua đảo Palawan (Philipines) vào biển Đông. Sáng 18/11, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão số 14 ở biển Đông, tên quốc tế là Kigori. Một ngày sau, khi cách bờ Khánh Hòa – Bình Thuận 200 km, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sức gió mạnh nhất 60 km/h.
Hoàn lưu áp thấp gây giông lốc ở TP HCM, khiến gần 150 căn nhà tốc mái, nhiều cây xanh bị giật đổ.
Hoàng Bách (tổng hợp)