Ai nên hạn chế ăn khoai tây?

Khoai tây là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ như kháng viêm, giảm đau, tăng cường hệ miễn dịch,...  Tuy nhiên, không phải ai cũng nên tiêu thụ chúng một cách thoải mái.

Khoai tây là một trong những loại thực phẩm phổ biến, được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn trong mâm cơm gia đình từ chiên, nướng đến xào, nấu canh, súp,… Khoai tây cũng là nguồn thực chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng khác có ích cho sức khỏe như carbohydrate, chất xơ, kali, magie, các loại vitamin C, B6, chất chống oxy hóa như flavonoid và carotenoid và một lượng nhỏ protein cần thiết cho cơ thể..

Trung bình, khoai tây có thể cung cấp khoảng 110-120 calo/100g, tùy vào kích thước và loại khoai tây cũng như cách chế biến. Ví dụ, khoai tây hấp hoặc nấu với ít dầu mỡ và gia vị thường có lượng calo khoảng 80-100 calo/150g, ít hơn hẳn khoai tây chiên ngập dầu với lượng calo khoảng 300 – 400 calo/100g.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lợi ích của khoai tây có thể bạn chưa biết

Cung cấp năng lượng, giảm căng thẳng

Khoai tây chứa nhiều carbohydrate, cung cấp năng lượng cho cơ thể, tốt cho cơ bắp và giúp cho não bộ hoạt động tốt hơn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoai tây có thể giúp giảm căng thẳng tinh thần hay đau đầu, do chứa chất như magie và vitamin B6.

Tăng cường miễn dịch, hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Với lượng vitamin và khoáng chất dồi dào như vitamin C, kali và vitamin B6, ăn khoai tây đúng cách giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, kali hỗ trợ sức khỏe tim mạch và huyết áp. Trong khi đó vitamin B6 có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Hỗ trợ tiêu hóa

Khoai tây cũng là một nguồn cung cấp chất xơ, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn và duy trì sức khỏe của đường ruột.

Chống oxy hóa

Khoai tây chứa các chất chống oxy hóa như flavonoid và carotenoid, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do. Trong khoai tây tím còn chứa catechin - một chất chống oxy hóa tự nhiên vô cùng quan trọng, đã được chứng minh có chức năng chống viêm và chống ung thư hiệu quả.

Hỗ trợ giảm cân

Khoai tây có thể được sử dụng trong chế độ giảm cân khi chế biến thành các món như hấp, nướng, nghiền,... do chứa ít chất béo và nhiều chất xơ, giúp tạo cảm giác no lâu. Từ đó, bạn dễ kiểm soát cân nặng hơn, duy trì vóc dáng lý tưởng.

Chăm sóc da

Khoai tây cũng có tác dụng làm dịu và làm mềm da, có thể được sử dụng làm mặt nạ tự nhiên để làm sạch và giúp cho làn da mịn màng, trắng sáng hơn.

Những nhóm người nên hạn chế ăn khoai tây

Người bị tiểu đường

Khoai tây có chỉ số đường huyết (GI) cao, nghĩa là khi ăn vào, chúng dễ làm tăng nhanh lượng đường trong máu. Điều này đặc biệt không tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường, vì có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Thay vì khoai tây, người bị tiểu đường nên chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hơn như khoai lang, gạo lứt, hoặc các loại đậu.

Người mắc bệnh thận

Khoai tây chứa một lượng lớn kali, một khoáng chất có thể gây hại nếu không được bài tiết đúng cách ở những người có chức năng thận suy giảm. Việc tiêu thụ quá nhiều kali có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm rối loạn nhịp tim. Do đó, người mắc bệnh thận nên hạn chế ăn khoai tây hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm khoai tây vào chế độ ăn.

Người mắc bệnh tim mạch

Khoai tây chiên, đặc biệt là những loại đã qua chế biến sẵn, thường chứa nhiều chất béo bão hòa và muối, dễ gây tăng huyết áp và góp phần vào các bệnh tim mạch. Người mắc bệnh tim mạch nên tránh ăn khoai tây chiên và ưu tiên sử dụng các loại khoai tây luộc hoặc hấp mà không thêm gia vị.

Người bị thừa cân hoặc béo phì

Khoai tây chứa lượng carbohydrate cao, có thể góp phần vào việc tăng cân nếu ăn quá nhiều. Những người đang cố gắng giảm cân nên hạn chế ăn khoai tây, đặc biệt là các món khoai tây chiên hoặc nướng với bơ và phô mai. Thay vào đó, họ nên lựa chọn các loại rau củ ít calorie hơn như rau cải xanh, bí đỏ hoặc cà rốt.

Người có vấn đề về tiêu hóa

Khoai tây, đặc biệt khi chưa nấu chín kỹ, có thể chứa một loại chất độc tự nhiên gọi là solanine. Chất này có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, gây đau bụng, buồn nôn, và thậm chí là ngộ độc nếu tiêu thụ với lượng lớn. Những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc đang mắc các vấn đề về dạ dày nên cẩn trọng khi ăn khoai tây và nên nấu chín kỹ trước khi sử dụng.

Cách ăn khoai tây an toàn, tốt cho sức khỏe

Để phát huy được hết công dụng của khoai tây, sử dụng loại thực phẩm một cách an toàn, bạn cần thực hiện theo hướng dẫn sau.

Rửa sạch và loại bỏ phần hỏng: Rửa khoai tây dưới vòi nước sạch để loại bỏ toàn bộ bụi bẩn, vi khuẩn và đất dính trên bề mặt. Dùng dao loại bỏ những chỗ bị hỏng, mốc, lỗ sâu, tốt nhất là nên gọt vỏ khoai tây trước khi chế biến để đảm bảo an toàn.

Nấu chín khoai tây: Tránh ăn khoai tây sống, bởi có thể chứa các hợp chất độc hại như solanine, đặc biệt là trong phần lõi. Bạn hãy nấu chín kỹ khoai tây, đặc biệt là khi chế biến cho trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa còn yếu.

Hạn chế ăn khoai tây chiên: Hãy chế biến khoai tây theo cách phù hợp và an toàn như nướng, hấp, hoặc nấu để không làm mất đi lợi ích dinh dưỡng của loại thực phẩm này. Hạn chế ăn khoai tây chiên để giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch.

Kiểm soát lượng tiêu thụ: Hãy kiểm soát lượng khoai tây trong một bữa ăn để tránh tiêu thụ quá mức, đặc biệt là nếu bạn đang theo chế độ ăn kiêng hoặc có các vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì hoặc tiểu đường.

Theo Đời sống
7 loại trà tác dụng bổ não, giảm rối loạn tiền đình

7 loại trà tác dụng bổ não, giảm rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình đi kèm với một vài bệnh lý như thiếu máu não, tiểu đường, huyết áp cao... có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, đe dọa tính mạng người bệnh. Uống trà thảo dược có tác dụng bổ não, giảm rối loạn tiền đình...
Ai nên hạn chế ăn bánh Trung thu?

Ai nên hạn chế ăn bánh Trung thu?

Tết Trung thu đang đến gần, bánh Trung thu là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp này. Bánh Trung thu ngon miệng, hấp dẫn nhưng không phải ai cũng thích hợp để ăn.
back to top