Làm tổ trưởng từ năm 1955
Sau khi giải phóng Thủ đô, từ năm 1955 ông Quang đã được bầu làm tổ trưởng dân phố. Sau đó có mấy năm đi bộ đội phải nghỉ, còn khi về địa phương ông lại tiếp tục làm tổ trưởng cho đến tận bây giờ đã ngoài 80 tuổi ông vẫn được bà con tín nhiệm.
Tổ trưởng dân phố là chân rết của chính quyền. Làm công việc này là phải gần dân, sát dân, phải là người có đạo đức, sống gương mẫu, lại phải công tâm… Trăm thứ việc đổ lên đầu từ tuyên truyền nhắc nhở mọi người thực hiện chủ trương chung của nhà nước, đến vận động đóng góp các quỹ phải đi đến từng nhà, tiền nong, sổ sách rất mệt… rồi mỗi khi nhà người ta có việc vui buồn thì phải đến chia sẻ, có gì xô xát thì phải đến hòa giải… nên có ai muốn làm đâu.
Nhưng bao nhiêu năm sống ở đây, làm công việc này đã quen rồi nên ông vẫn cố gắng làm được ngày nào thì làm.
Ông Trần Huy Quang có tới 60 năm làm tổ trưởng dân phố.
Ngoài tổ trưởng, ông còn làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi phường Hàng Gai và đặc biệt ông còn tham gia trong đội tế của Đền Bạch Mã, đền thờ Ỷ Lan (ngõ Tạm Thương) và đội tế của họ Trần. Đây là một hoạt động văn hóa tâm linh đã được gìn giữ và truyền từ đời này qua đời khác.
Điều tâm đắc nhất của ông Quang là nhờ tập luyện mà ngoài 80 tuổi, ông vẫn giữ được sức khoẻ để tham gia các hoạt động xã hội như thế. Trước đây, ông có nhiều bệnh, từ huyết áp cao, viêm xoang, đau dạ dày, đau cột sống khiến việc đi lại khó khăn. Từ năm 1993, ông tham gia tập khí công, yoga và xoa bóp bấm huyệt nên từ đó đến nay sức khỏe ổn định.
Những bài dưỡng sinh nào tập thấy tốt cho mình là ông ghi hình lại để hướng dẫn những người khác cùng tập. Ông còn phổ nhạc, viết ca khúc cho bài tập thể dục. Những khi sưu tầm được những bài thuốc hay, những kiến thức về giữ gìn sức khỏe, ông lại photo ra hàng trăm tờ phát cho bạn bè để chia sẻ kinh nghiệm.
Đức năng thắng số
Một trong những niềm vui của ông Quang là được làm thơ. Để mọi người dễ nhớ, dễ tập thể dục, ông đã làm rất nhiều thơ về những bài tập. Ngoài ra, còn có rất nhiều thơ về đạo lý làm người, về những nét đẹp trong đời sống, về cảnh đẹp của phố phường, của non sông đất nước, về tình người. Đến nay ông đã có tới 1.600 bài thơ.
Ông bảo, văn xuôi như là quặng còn thơ là vàng. Tìm được một tứ thơ hay, một chữ thật đắt là phải chắt lọc bao nhiêu, nghiền ngẫm bao nhiêu, nên khi tìm ra được sung sướng lắm. Làm thơ cũng là một cách để ông luyện trí nhớ. Nói đến một đề tài gì, ông có thể nhớ và đọc luôn cả bài thơ đó của mình.
Cứ hay viết lách như thế nên ông còn được nhiều gia đình nhờ viết điếu văn. Đây cũng là điều khiến ông tự hào, bởi để viết được một bài điếu văn hay, xúc động lòng người không phải đơn giản. Phải có sự thấu hiểu, cảm thông sâu sắc và có sự chia sẻ. Không phải ai cũng được tín nhiệm để được mời viết điếu văn.
Yêu thơ, thích viết lách khiến ông có thêm nhiều người bạn. Nhờ chấp bút viết thư hộ một người bạn tới một gia đình liệt sĩ để họ tìm được người thân mà ông được gia đình coi như ân nhân. Sắp tới “ông sẽ cùng người bạn xuống Hải Phòng thăm gia đình liệt sĩ đó.
Cứ tận tâm như vậy, ai nhờ gì ông cũng nhiệt tình giúp đỡ, bởi ông luôn tâm niệm một điều “Đức năng thắng số”. Số phận tuy đã định trước như thế, nhưng đức độ và tình yêu thương có thể thay đổi mọi thứ. Làm tốt việc đời chính là nhân thêm điều đức.
Tuệ Minh