Ông Lê Văn Thục vượt qua nỗi đau để sống vui sống khỏe.
“Năm nay tôi 72 tuổi, với các bác ở tuổi này là chuyện bình thường, nhưng với tôi thì thật quý như vàng. Mấy chục năm về trước tôi xanh xao gầy yếu, lại phải mang trên người nhiều vết thương chiến tranh, không những thế, 45 năm nay tôi buồn day dứt vì cô con gái mình sinh ra kém may mắn bởi con mang tật nguyền từ nhỏ. Tuy nhiên vượt lên mọi nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, tôi đã tìm được niềm vui để sống khỏe, có ích”. Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Thục ở Khu 1, Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ.
Tháng 2/1965 tôi lên đường nhập ngũ, sau huấn luyện tân binh được đi học lái ca nô, rồi về Lữ đoàn công binh vượt sông 239 chuyên bắc cầu chở phà. Ngày ấy sống ở sông nước tôi rất khỏe, thức đêm hàng tháng trời để chở phà đưa các đoàn xe qua sông mà không biết mệt mỏi.
Năm 1968 giặc Mỹ đánh phá quyết liệt tuyến đường khu Bốn. Bom đạn khủng khiếp nhưng ca nô thuyền phà đêm đêm vẫn bám chặt các bến của sông Lam để nối lại mạch máu giao thông. Tối 10/9/1968 đang làm nhiệm vụ ở Bến Thủy thì ca nô trúng bom. Chiếc ca nô bị chìm và hai đồng đội hy sinh. Còn tôi bị thương được vớt lên từ dòng sông Lam. Do vết thương cột sống bị nặng tôi được chuyển ra Bắc, rồi về điều trị ở quân y viện 105.
Ngày ấy hai chân bị liệt, tôi phải nằm bất động bốn tháng trời trên giường bệnh, rồi với đôi nạng mon men tập đi. Ra viện, tôi được về đoàn an dưỡng, nhưng do vết thương cột sống tái phát phải đi viện nhiều lần nên không đủ sức khỏe để đi học và chuyển ngành. Tháng 12/1970 tôi trở về quê hương với thương binh hạng 2/4.
Ngày mới trở về quê hương, vì vết thương hạn chế cử động, nên không lao động được bằng chân tay. Hồi đó tôi rất buồn bi quan, lo lắng cho sức khỏe. Cũng trong thời gian ấy, vợ chồng tôi lại sinh đứa con gái tật nguyền. Nỗi đau lại càng thêm nhức nhối. Nhưng rồi nghĩ đến tương lai, tôi quyết tâm phải vượt lên chính mình và đã tìm được ngay lời giải: Nếu cứ để tinh thần sa sút lo lắng bi quan thì chắc chắn sẽ gây tổn thương đến sức khỏe nhiều hơn nữa và khi ấy sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình.
Từ đó tôi xóa bỏ tất cả những suy nghĩ bi quan chán nản, xóa bỏ tất cả những day dứt về bệnh tật và nhớ đến lời dạy sâu sắc của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế “. Điều quan trọng hơn nữa là đã biết quên đi nỗi buồn của bất hạnh, quên đi nỗi đau của bệnh tật. Phải có quyết tâm thật cao, nghị lực thật vững vàng và tự nhủ phải tích cực tham gia hoạt động công tác xã hội để tìm thêm niềm vui. Có lẽ đó là những bí quyết để tôi vượt lên tìm cho mình có cuộc sống vui khỏe, lành mạnh.
Hai mươi năm công tác ở địa phương, đến năm 1992 tôi được nghỉ chế độ hưu trí.
Năm 1998, vết thương cột sống tái phát nặng, tôi phải về quân y viện 108 để điều trị. Một lần nữa tôi phải vượt lên chính mình. Ngoài thực hiện nghiêm túc chế độ ăn uống sinh hoạt luyện tập theo bác sĩ hướng dẫn, tôi bắt đầu cầm bút tập viết tin bài cho các báo. Hiện nay tôi là CTV của báo Phú Thọ, là thành viên trong ban chủ nhiệm CLB thơ của làng và hội viên Hội văn học nghệ thuật của huyện.
Niềm vui hạnh phúc đến với tôi là năm 2016 tôi được về Hà Nội dự tổng kết và nhận giải thưởng của Báo KH&ĐS trong cuộc thi ”Bách niên giai lão”.
Lê Văn Thục
(Khu 1, Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ)