5 loại bệnh dễ "ghé thăm" vào mùa hanh khô

Khi giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, nóng – lạnh, mưa – nắng và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn hoạt động mạnh.

Viêm da

Vào mùa hanh khô, da dễ bị viêm do độ ẩm không khí thấp, gió heo may nhiều nên lớp bì bị khô và mất nước. Viêm da cơ địa là bệnh dễ gặp nhất với triệu chứng như nổi mẩn đỏ, mụn nước, da khô, nứt nẻ khó chịu, đôi khi dẫn đến chảy máu gây ra không ít phiền toái. Chứng bệnh này dễ gặp ở những khu vực da có nếp gấp như mạng sườn, tay chân, bẹn... Nếu trời càng lạnh, triệu chứng càng nặng hơn.

Vì vậy, khi mắc viêm da cơ địa, không nên tự chữa tại nhà mà phải đi khám để phát hiện kịp thời căn bệnh nguy hiểm và nhận được chỉ định của bác sĩ hợp lý nhất. Ngoài viêm da cơ địa, mùa hanh khô còn xuất hiện tình trạng phát ban, ngứa như mề đay, với biểu hiện ngứa nhẹ đến ngứa dữ dội...

Cảm cúm

Giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi, nóng lạnh, nắng mưa bất thường nên nếu hệ miễn dịch yếu, bạn rất dễ mắc bệnh. Đặc biệt vào giao mùa thu, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô có thể khiến cho các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh. Đây là khoảng thời gian cơ thể rất khó thích nghi với thời tiết, và cảm cúm dễ xảy ra.

Nếu thấy hiện tượng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì liên tục, đau đầu chóng mặt, bạn có thể nghĩ đến khả năng mình đã mắc bệnh này. Hơn hết, để phòng ngừa, hãy ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng, rửa tay nhiều lần để loại trừ mầm bệnh lây lan, nơi ở thoáng mát, sạch sẽ để tránh vi khuẩn, virus trú ngụ.

Viêm xoang

Viêm xoang là bệnh lý khá phổ biến ở nước ta. Nhất là vào mùa thu, khi độ ẩm không khí thấp, hanh khô tăng cao khiến niêm mạc mũi bong, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi kéo theo đau đầu, đau tai, đau ngứa họng…

Tuy không quá nguy hiểm nhưng viêm xoang lại là một trong những căn bệnh khó chữa dứt điểm, gây khó chịu và phiền toái nhất cho người bị bệnh. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bị viêm xoang cần hạn chế ăn đồ lạnh, mặc phong phanh và ra ngoài phải có khẩu trang…

Rụng tóc

Mùa hanh khô là thời điểm bị rụng tóc nhiều hơn. Nguyên nhân là do các tuyến dầu giảm hoạt động, không khí khô, độ ẩm thấp thêm việc di chuyển trong không khí ô nhiễm nên tóc không có sự mềm mại, dễ bị khô, xơ và dẫn đến gãy rụng.

Với kiểu thời tiết hanh khô, da đầu nhạy cảm và trở nên yếu hơn. Nếu tiếp xúc với chất gây kích ứng thì các mảng da đầu rất dễ bong ra tạo thành gàu. Quá trình này kéo dài sẽ khiến chân tóc yếu, sợi tóc khô, mất nước. Do đó, nếu không chú ý dưỡng tóc sẽ khiến tóc bị rụng nhiều, ảnh hưởng đến vẻ đẹp của cơ thể.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ cũng là loại bệnh thường xảy ra trong lúc giao mùa do vi khuẩn, virus tranh thủ xâm nhập vào cơ thể khi nó chưa kịp thích nghi. Đau mắt đỏ sẽ gây cho bệnh nhân những khó chịu vùng mắt: mắt đỏ ngầu, nước mắt giàn giụa, sưng nhức mắt… Và đặc biệt, khiến người mắc không thể tự tin khi giao tiếp.

Để phòng tránh, phải chú ý giữ vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt. Do bệnh dễ lây nên tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đồng thời nên đeo kính khi ra ngoài, nhỏ mắt hàng ngày, giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng. Nếu mắc bệnh cần nghỉ 7 - 10 ngày để cách ly và điều trị dứt điểm, tránh lây lan sang người khác.

Những đối tượng dễ mắc bệnh thời kỳ giao mùa

Trẻ nhỏ: Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.

Người cao tuổi: Người cao tuổi thường có sẵn các bệnh lý mạn tính như bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ rất nhiều. Thay đổi thời tiết dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi.

Phụ nữ mang thai: Khi mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai nghén rất dễ bị dị tật cho thai nhi. Ngay cả khi mắc bệnh, thai phụ cũng thường ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, việc phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu với thai phụ.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top