5 bệnh truyền nhiễm mùa thu đông: phòng ngừa thế nào?

Tháng 11 có thể được coi là giai đoạn chuyển đổi thời tiết ở hầu hết các vùng miền trong cả nước, là điều kiện thuận lợi bùng phát 5 dịch bệnh: sốt xuất huyết, Adenovirus, cúm mùa, sởi, tay chân miệng.

Theo số liệu của Bộ Y tế mới đây, tỷ lệ mắc cúm tại nước ta hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới. Sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 89 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.

Sốt xuất huyết, cúm, sởi, tay chân miệng... đồng loạt vào mùa

Chia sẻ với PV Khoa học và Đời sống, chị Nguyễn Thị Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị không thể ngờ được cả nhà vừa khỏi COVID-19 được hơn 1 tháng, thì con chị đi học về bị ho, sốt,tái nhiễm và tiếp tục lây ra cả nhà. Hơn 10 ngày sau, 2 con chị đi học được 2 - 3 buổi lại tiếp tục sốt cao và chị cũng bị. Kết quả xét nghiệm 3 mẹ con bị sốt xuất huyết.

Còn hai bé nhà anh Phạm Văn Thành (Cầu giấy, Hà Nội), cùng có biểu hiện sốt cao, chảy nước mũi, ho và mệt mỏi... Kết quả xét nghiệm trong viện, 1 cháu bị sốt xuất huyết, còn cháu kia lại do cúm B... Anh chị trông con ốm người cũng hâm hấp, mệt mỏi nhưng không có thời gian đi khám.

Sốt có thể do nhiều bệnh

Sốt có thể do nhiều bệnh

ThS.BS Dương Thị Thủy, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, thời gian qua, chuyên khoa Nhi bệnh viện ghi nhận nhiều trẻ đến khám do sốt. Sau đó, bác sĩ dựa vào biểu hiện lâm sàng khi thăm khám như hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, khò khè, mụn nước lòng bàn tay chân… cộng với yếu tố dịch tễ (nơi ở, nơi làm việc có người mắc bệnh) để đưa ra chỉ định phù hợp cho từng bệnh nhi.

Kết quả chẩn đoán trẻ mắc bệnh rất đa dạng, bệnh nhi ngoài bệnh cúm, còn ghi nhận mắc sốt xuất huyết, Covid-19, sốt virus… Thậm chí nếu kèm thêm khò khè còn liên quan tới nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV ở trẻ nhỏ, hen phế quản ở trẻ lớn, trường hợp xuất hiện mụn lòng bàn tay, bàn chân thì lưu ý bệnh tay chân miệng. Buồn nôn, đau bụng, đi ngoài là do tiêu chảy nhiễm khuẩn...

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, đáng lo ngại nhất là trong bối cảnh có sự lưu hành của nhiều bệnh truyền nhiễm, song chúng ta chỉ chú trọng dịch bệnh này mà không quan tâm phòng chống dịch bệnh khác khiến nguy cơ dịch chồng dịch, bệnh chồng bệnh rất dễ xảy ra. Thực tế có nhiều người bệnh này chưa dứt hẳn, bệnh khác đã tiến đến nhất là đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi, người có sẵn bệnh mạn tính rất dễ nhiễm bệnh và biểu hiện bệnh thường nặng.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TƯ khuyên, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, mọi người cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh tật truyền nhiễm như: Tiêm vắc xin, luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc nguồn bệnh, thường xuyên sát khuẩn tay, chú ý diệt muỗi xung quanh nơi ở, sát khuẩn các bề mặt trong nhà, đồ chơi, đồ dùng và thực hiện ăn chín, uống sôi…

“Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời” , TS Lâm khuyến cáo.

Trẻ bị bệnh tại Viện Nhi TƯ

Trẻ bị bệnh tại Viện Nhi TƯ

Chế độ ăn uống phòng bệnh

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho biết, mùa Đông khí trời lạnh lẽo, dễ trở thành hàn tà gây bệnh cho con người nhất là người già và trẻ em. Bởi vậy ngoài dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ theo lứa tuổi, cần ăn những thức bổ dưỡng thích hợp nhằm tăng cường thể chất, phòng ngừa bệnh tật, có lợi cho tuổi già.

Bữa ăn đủ dưỡng chất cần cân đối 4 thành phần dưỡng chất cơ bản: Chất đạm, chất béo, tinh bột và vitamin – khoáng chất. Thực phẩm chế biến phù hợp, vệ sinh, khối lượng thức ăn không thiếu và không quá dư thừa.

Đặc biệt, việc ăn uống cần phải được chú ý để giữ ấm và phù hợp với các tạng phủ. Thức ăn phải là những thức ăn ôn nhiệt để giúp cho việc bảo vệ dương khí của cơ thể. Nghĩa là việc ăn uống phải đảm bảo gia tăng nhiệt bên trong, giảm thiểu sự tỏa nhiệt ra ngoài.

Các thực phẩm vừa có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, vừa bảo vệ được dương khí và khi ăn vào lại cơ thể lại cảm thấy ấm áp gồm: Thịt cừu, thịt bò, giăm bông, thịt gà, thịt chó...; Rau các loại có: ớt, hạt tiêu, tỏi, gừng, nấm, hành thơm, hẹ; Quả các loại có: hạnh đào, nhãn, hạt dử, đại táo, táo khô, vải, bưởi, hạt thông...

Đặc biệt cần chú ý, sức đề kháng chung của cơ thể và riêng đường hô hấp bằng cách: uống đủ nước, ăn đủ chất béo (1g dầu mỡ /kg cơ thể /ngày); bổ sung sinh tố C, sắt, acid folic và sinh tố nhóm B, sinh tố A... để chống nhiễm trùng, bảo vệ niêm mạc.

Một số lưu ý phòng bệnh truyền nhiễm:

Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.

Giữ ấm, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tuy nhiên cũng cần chú ý không nên mặc quá nhiều áo khiến cơ thể toát mồ hôi và ngấm ngược lại gây cảm lạnh, sốt cao.

Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người. Trường hợp đưa trẻ ra ngoài phải đeo khẩu trang cho trẻ.

Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ.

Cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top