14 người mắc bệnh than ở Hà Giang, Điện Biên: Cục Thú y cảnh báo "nóng"

Cục Thú y nhận định, nguyên nhân gây ra bệnh than là do gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin nhiệt thán; khi trâu, bò chết, không khai báo cho chính quyền, dẫn tới lây bệnh cho những người trực tiếp giết mổ, ăn thịt gia súc mắc bệnh.
Cục Thú y nhận định, nguyên nhân gây ra bệnh than là do gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin nhiệt thán; khi trâu, bò chết, không khai báo cho chính quyền, dẫn tới lây bệnh cho những người trực tiếp giết mổ, ăn thịt gia súc mắc bệnh. Ảnh baocongthuong

Cục Thú y nhận định, nguyên nhân gây ra bệnh than là do gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin nhiệt thán; khi trâu, bò chết, không khai báo cho chính quyền, dẫn tới lây bệnh cho những người trực tiếp giết mổ, ăn thịt gia súc mắc bệnh. Ảnh baocongthuong

Trước nguy cơ lây lan bệnh than (bệnh nhiệt thán), Cục Thú y (Bộ NNPTNT) có 957/TY-DT đề nghị Sở NNPTNT, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng và Lào Cai tăng cường các biện pháp phòng chống.

Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có 14 người mắc bệnh nhiệt thán (còn gọi là bệnh than) tại 2 tỉnh Hà Giang (01 ca) và Điện Biên (13 ca); trên gia súc đã phát hiện 4 ổ dịch nhiệt thán tại 02 tỉnh Hà Giang (01 ổ dịch) và Điện Biên (03 ổ dịch). Đây là bệnh thuộc Danh mục bệnh phải công bố dịch, bệnh lây truyền giữa động vật và người, bệnh động vật cấm giết mổ và chữa bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh than, Cục Thú y nhận định, chủ yếu là do gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin nhiệt thán; khi trâu, bò chết, người dân không khai báo cho chính quyền, cơ quan thú y địa phương, tự ý giết mổ, ăn thịt, dẫn tới lây bệnh cho những người trực tiếp giết mổ, ăn thịt gia súc mắc bệnh.

Cục Thú y cho biết, nguy cơ dịch bệnh nhiệt thán tiếp tục xảy ra tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên và lây lan sang các tỉnh khác do buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia súc, thịt gia súc bị bệnh trong thời gian tới là rất cao.

Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn không để dịch bệnh nhiệt thán lây lan trên diện rộng, giảm thiểu thấp nhất số người mắc bệnh và bảo vệ đàn vật nuôi, Cục Thú y đề nghị Giám đốc Sở NNPTNT các tỉnh khẩn trương chỉ đạo tập trung xử lý, tiêu hủy gia súc bệnh để không làm phát tán, lây lan dịch bệnh; thực hiện thường xuyên, liên tục biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh; lập trạm, chốt kiểm soát vận chuyển gia súc, thịt gia súc từ vùng dịch ra bên ngoài làm lây lan dịch bệnh.

Khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm phòng cho đàn gia súc có nguy cơ cao, ở những nơi người dân giết mổ gia súc bệnh, nơi người dân mua thịt gia súc nghi mắc bệnh về tiêu thụ.

Cục Thú y đề nghị tuyên truyền cho người dân về dấu hiệu và tính chất nguy hiểm của bệnh nhiệt thán, không tự ý vận chuyển, giết mổ gia súc, bán, cho, tặng, ăn thịt gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; khai báo cho chính quyền, cơ quan thú y địa phương ngay khi phát hiện động vật có biểu hiện của bệnh; phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn tổ chức xử lý ổ dịch và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt lưu ý, hướng dẫn người dân, người tham gia chống dịch, xử lý ổ dịch phải có dụng cụ bảo hộ cá nhân, phải áp dụng biện pháp an toàn sinh học, không để bị nhiễm mầm bệnh Nhiệt thán.

Tham mưu cấp có thẩm quyền công bố dịch và áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Tăng cường công tác giám sát lâm sàng phát hiện sớm để xử lý kịp thời ca mắc bệnh Nhiệt thán trên người, trên gia súc. Nếu phát hiện ra các trường hợp gia súc nghi ngờ mắc bệnh, cần lấy mẫu, gửi mẫu Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để xét nghiệm.

Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác các trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh Nhiệt thán.

Phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và Thú y trong việc chia sẻ thông tin, điều tra ổ dịch, ngăn chặn tác nhân gây bệnh lây từ gia súc mắc bệnh sang người và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Thành lập các đoàn công tác, phân công cán bộ thú y có chuyên môn và kinh nghiệm đến trực tiếp các địa phương có dịch bệnh, có nguy cơ cao để phối hợp, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Nhiệt thán theo đúng quy định.

Bệnh than hay còn có tên gọi khác là bệnh nhiệt than thuộc nhóm các loại bệnh truyền nhiễm gây ra bởi loại vi khuẩn gram dương, hình que Bacillus anthracis. Loại vi khuẩn này thường tồn tại trong điều kiện tự nhiên trong đất hoặc ký sinh trên các loại động vật nuôi hoặc động vật hoang dã.

Khi con người tiếp xúc với động vật chứa vi khuẩn gây bệnh có thể bị truyền nhiễm và mắc bệnh nghiêm trọng khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Thông thường bệnh xâm nhập vào cơ thể người thông qua các đường tiếp xúc như:

Nhiễm qua da: xảy ra khi tiếp xúc mầm bệnh thông qua vết thương trên da hoặc sử dụng các sản phẩm động vật như lông, da sống, len,… Các vị trí lây nhiễm dễ gặp thông qua da chính là cổ, cẳng tay, bàn tay. Mầm bệnh ủ từ 1 - 7 ngày đến khi khởi phát nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách đều có thể hồi phục nhanh.

Nhiễm qua đường hô hấp: khi người tiếp xúc mầm bệnh do hít phải bào tử vi khuẩn có trong không khí thường có trong các nhà máy sản xuất len từ lông động vật, lò mổ,…

Dấu hiệu nhận biết đầu tiên chính là khó thở do ảnh hưởng đến hạch bạch huyết ở ngực và dần lan đến các cơ quan hô hấp khác như phổi.

Nhiễm qua đường tiêu hóa: khi sử dụng các loại thịt động vật có chứa mầm bệnh và chưa được nấu chín kỹ và khi nuốt vào cơ thể sẽ bị bào tử vi khuẩn bệnh than xâm nhập gây bệnh bên trong đường tiêu hóa.

Để phòng tránh bệnh than, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không giết mổ, không sử dụng thực phẩm từ trâu, bò, ngựa ốm chết, không rõ nguồn gốc.

Theo Đời sống
back to top