Biến chứng nguy hiểm của dị vật đường thở

Hóc dị vật đường thở là các tình huống rất nguy hiểm, có thể gây suy hô hấp, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Trẻ hóc dị vật đường thở là hạt đậu phộng

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM) đã cứu sống trường hợp bệnh nhi D. T. K. 18 tháng, hóc dị vật đường thở là hạt lạc.

Qua khai thác bệnh sử, khoảng 14h ngày 25/12, trẻ đang ăn đậu phộng thì đột ngột ho sặc sụa, tím tái được ba sơ cứu móc lấy dị vật, em còn ho và tím nhiều, khó thở nhiều nhập viện huyện sơ cứu thở oxy sau đó chuyển bệnh viện tỉnh. Tại đây, trẻ được chụp Xquang ngực được chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở, tim bẩm sinh, thở oxy, chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Hạt đậu phộng mắc kẹt ở khí quản gây tắc nghẽn đường thở. Ảnh BVCC

Hạt đậu phộng mắc kẹt ở khí quản gây tắc nghẽn đường thở. Ảnh BVCC

Tình trạng lúc nhập viện, bệnh nhi bứt rứt, tím tái, oxy, SpO2 66% - 79%, thở co lõm ngực, thở rít khi hít vào, khàn giọng. CTscan ngực cho thấy có dị vật trong lòng khí quản, nằm sát thành trước khí quản, cách thành sau khí quản khoảng 1,5mm gây hẹp gần hoàn toàn khí quản ngang mức này.

Bệnh nhi được chẩn đoán dị vật đường thở, biến chứng suy hô hấp nặng. Các bác sĩ ngay lập tức xử trí giúp thở, kháng sinh, đồng thời hội chẩn ekip nội soi hô hấp tiến hành gây mê.

Trong quá trình nội soi, khi xuống khí quản ghi nhận dị vật hình bán nguyệt nghi là hạt lạc ở đoạn 1/3 giữa khí quản, bít gần hoàn toàn khí quản. Thành khí quản xung quanh bám nhiều giả mạc trắng. Ekip dùng kềm gắp dị vật được nhiều mảnh nhỏ đa giác, lấy toàn bộ dị vật. Kiểm tra phế quản gốc phải, trái thông thoáng, quan sát không còn dị vật.

Sau thủ thuật SpO2 đạt 96%, mạch 128 l/ph, thông khí phổi 2 bên đều, tình trạng bệnh nhi tỉnh táo, tiếp xúc khá.

Biến chứng nguy hiểm của dị vật đường thở

Dị vật đường thở có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

Tử vong do suy hô hấp cấp - biến chứng nguy hiểm nhất.

Tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy kéo dài.

Xẹp phổi: Dị vật sau khi mắc lại ở 1 bên phế quản khiến không khí không di chuyển được vào bên trong các phế nang, khiến vùng phế nang phía dưới đoạn tắc bị xẹp.

Viêm phế quản hoặc Viêm phổi tái diễn.

Áp xe phổi: Dị vật đường thở bị bỏ quên gây phản ứng viêm tại chỗ, tạo ổ áp xe trong phổi.

Cách sơ cứu dị vật đường thở

- Nếu nạn nhân còn hồng hào, khóc được, la được, nói được, không khó thở: nên đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.

- Nếu nạn nhân tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu. Nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật.

Trẻ dưới 2 tuổi: phương pháp vỗ lưng ấn ngực

- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.

- Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vỗ lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

- Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Người lớn và trẻ lớn: thủ thuật Heimlich.

- Trẻ còn tỉnh:

+ Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn.

+ Ẩn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc la được

- Trẻ hôn mê:

+ Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi nạn nhân.

+ Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất.

+ Ẩn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên.

+ Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Chú ý:

- Nếu nạn nhân ngưng thở, phải thổi ngạt hai cái chậm trước và xen kẽ thổi ngạt khi làm thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực cho tới khi bệnh nhân thở lại hoặc la khóc được.

- Sau khi lấy được dị vật, hoặc nạn nhân la khóc được, vẫn phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Theo Đời sống
back to top