Gắp dị vật đầu bút trong đường thở bé trai 6 tuổi

Dị vật đường thở thường gặp ở trẻ nhỏ và là tai nạn nguy hiểm, có thể làm tắc nghẽn đường thở, gây khó thở cho bệnh nhân, thậm chí là tử vong.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) thông tin về ca phẫu thuật thành công cho bé trai 6 tuổi, ngụ tại Kiên Giang, bị khó thở 1 tuần sau khi vô tình nuốt đầu bút bi vào đường thở.

Qua khai thác thông tin, người nhà bé trai D.T.H.A (6 tuổi, ngụ tại Kiên Giang) cho biết, trước khi nhập viện 7 ngày, bé đang há miệng cười thì bị em gái quăng đầu bút bi vào miệng. Bé ho sặc sụa, không tím tái.

Gắp đầu bút 1cm trong đường thở của trẻ. Ảnh BVCC

Gắp đầu bút 1cm trong đường thở của trẻ. Ảnh BVCC

Sau 1 tuần khó thở không giảm, bé khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, được chụp CT scan nghi ngờ có dị vật trong phế quản gốc trái.

Hình ảnh CT Scan nghi ngờ có dị vật trong phế quản gốc trái. Ảnh BVCC

Hình ảnh CT Scan nghi ngờ có dị vật trong phế quản gốc trái. Ảnh BVCC

Nhờ sự phối hợp của ekip phẫu thuật và gây mê, BS CK1 Lý Phạm Hoàng Vinh (Khoa tai mũi họng, BV Nhi Đồng 1) đã soi đường thở gắp ra dị vật là 1 đầu bút dài khoảng 1cm ở phế quản gốc trái.

Sau soi gắp dị vật, đường thở bé ổn, không chảy máu. Hiện tình trạng sức khỏe của bé bình thường, không còn khó thở và ăn uống được.

Theo BSCK I Lý Phạm Hoàng Vinh (Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1), dị vật đường thở thường gặp ở trẻ nhỏ và là tai nạn nguy hiểm, có thể làm tắc nghẽn đường thở, gây khó thở cho bệnh nhân, thậm chí là tử vong.

Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh, sặc hoặc sau một một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi. Do đó, người chăm sóc nên thận trọng và thường xuyên nhắc nhở trẻ, chú ý khi trẻ tiếp xúc với những đồ dùng nhỏ, có cạnh sắc, nhọn có thể gây tổn thương thực quản, khí phế quản như: đầu bút, mảnh đồ chơi…

Nếu trẻ bị dị vật đường hô hấp, sau khi xử trí ban đầu, hãy nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện chuyên khoa tin cậy trong thời gian sớm nhất có thể để công tác xử lý cấp cứu được kịp thời và ít tai biến, biến chứng. Ngoài ra, cần tránh cho trẻ những thói quen dễ gây dị vật đường thở như ngậm đồ vật trong miệng, vừa ăn vừa đùa giỡn…

Cha mẹ cần chú ý cách phòng ngừa trẻ bị dị vật đường thở

Dị vật đường thở rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ nếu không được xử lý kịp thời. Để ngăn trẻ tò mò hoặc vô tình nuốt phải vật lạ nguy hiểm, cha mẹ cần chú ý:

Để các vật dụng nhỏ có thể khiến trẻ nuốt tránh xa tầm với của trẻ, cha mẹ cần rà soát một loạt các vật dụng kể cả đồ chơi của trẻ.

Luyện cho trẻ thói quen không đưa tay và các vật dụng vào miệng ngậm mút.

Không ép trẻ ăn uống khi đang khóc, khi đang ăn không nên nô đùa.

Hạn chế cho trẻ quá nhỏ ăn các thức ăn dễ hóc như thạch, lạc, nhãn,…

Theo Đời sống
Thủng ruột do... thói quen ngậm tăm sau khi ăn

Thủng ruột do... thói quen ngậm tăm sau khi ăn

Dị vật đường tiêu hoá nếu không được phát hiện sớm và điều trị sẽ gây ra các nguy cơ chảy máu, thủng ruột, tắc ruột, áp xe ổ bụng, nghiêm trọng hơn có thể gây nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm đến tính mạng.
back to top