Cứu cháu bé nuốt cây đinh vít, sơ cứu dị vật đường thở thế nào?

Dị vật đường thở thường gặp ở trẻ nhỏ và là tai nạn nguy hiểm, có thể làm tắc nghẽn đường thở, gây khó thở cho bệnh nhân, thậm chí là tử vong.

Trẻ đột ngột tím tái, ngưng thở vì nuốt nhầm đinh vít sắc nhọn

Các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, trong tuần vừa qua khoa đã thực hiện cấp cứu gắp thành công một trường hợp nuốt phải cây đinh vít cho cháu bé 51 tháng tuổi.

Theo đó, bệnh nhi N.Q.Đ. (51 tháng tuổi, ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng khó thở, tím tái.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhi cho biết: Sau khi ăn trưa khoảng 30 phút, trẻ đột ngột xuất hiện ngất, tím tái, ngưng thở, đã được các cô giáo đưa đến cấp cứu tại trạm y tế. Sau hồi sức cấp cứu, trẻ tỉnh trở lại, khó thở vừa nên được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp tục điều trị.

Dị vật là chiếc đinh vít được lấy ra từ từ phổi trái của bệnh nhi. Ảnh BVCC

Dị vật là chiếc đinh vít được lấy ra từ từ phổi trái của bệnh nhi. Ảnh BVCC

Sau khi thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp X-quang cho thấy có một hình ảnh dị vật cản quang phổi trái (hình dạng như chiếc đinh vít), kích thước khoảng 30 x 5mm, bịt kín hoàn toàn phổi trái. Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn đây là một trường hợp dị vật đường thở nguy hiểm, nên quyết định nội soi phế quản cấp cứu.

Song song công tác hồi sức theo dõi cho bệnh nhân, các bác sỹ khoa Tai Mũi Họng và khoa Gây mê đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục và chuẩn bị phòng mổ để tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân một cách nhanh nhất.

Và chỉ sau 30 phút tiếp nhận bệnh nhân và chuẩn bị, bệnh nhân đã được chuyển lên phòng phẫu thuật, tại đây các bác sỹ khoa Tai Mũi Họng đã nội soi đường thở cho bệnh nhân và gắp ra 01 chiếc đinh vít bằng sắt sắc nhọn từ phổi trái của bệnh nhân.

Theo BSCKI. Trịnh Thanh Hưng – Khoa Tai Mũi Họng cho biết: “Đây là một trường hợp nguy hiểm, cần can thiệp cấp cứu vì dị vật bịt kín hoàn toàn phổi trái của bệnh nhân, dẫn đến suy hô hấp cấp. Ngoài ra với tính chất sắc nhọn của đầu đinh vít, có thể gây tổn thương đâm thủng phế quản, chảy máu phổi, thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, chúng tôi đã xử lý tình huống cấp cứu một cách nhanh chóng và an toàn.”

Cách sơ cứu cơ bản khi trẻ mắc dị vật đường thở

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn cách sơ cứu cơ bản khi trẻ mắc dị vật đường thở. Cụ thể:

Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, không khó thở: đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.

Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu. Nhanh chóng gọi cấp cứu và thực hiện các thủ thuật sơ cứu sau:

– Trẻ dưới 2 tuổi:

+ Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.

+ Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

+ Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

+ Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

– Đối với trẻ lớn:

+ Trẻ còn tỉnh: Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ẩn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6 – 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc, la được.

+ Trẻ hôn mê: Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ. Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ẩn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Lưu ý khi sơ cứu

– Không nên can thiệp nếu trẻ vẫn còn có thể ho, thở hay la, khóc được, mà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám.

– Tuyệt đối không cố móc lấy dị vật ra vì có nhiều khả năng dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, dẫn đến tắc đường thở, gây nguy cơ tử vong cao hơn.

Theo Đời sống
back to top