Ngày nay, do lối sống tĩnh tại, bên cạnh đó đại dịch Covid-19 kéo dài, mọi người càng ít hoạt động hơn bình thường. Điều này có thể gây ra đau nhức, cứng khớp và yếu cơ.
Theo triết lý y học cổ truyền, khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái, đó là sức khỏe.
Các phương pháp điều trị bằng thuốc thảo dược, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và các liệu pháp đặc trưng khác như tập yoga khí công, thiền, thư giãn… được khuyến nghị trong hỗ trợ bệnh nhân bị đau cơ xương khớp.
Cố gắng quay lại sinh hoạt hằng ngày, cải thiện đau nhức
Các khớp và cơ bắp tốt hơn khi chúng ta thường xuyên vận động. Yếu cơ có thể dẫn đến khó khăn trong các hoạt động như đứng, leo cầu thang, nắm chặt đồ vật bằng tay hoặc nâng cánh tay lên.
Một số phương pháp điều trị cần thiết trong thời gian bị bệnh Covid-19 như nằm trên giường kéo dài, sử dụng một số loại thuốc điều trị có thể gây đau nhức khớp và cơ.
Nếu người bệnh đã có sẵn những vấn đề gây đau nhức cơ xương khớp, trong và sau khi mắc Covid-19, các vấn đề này sẽ gia tăng.
Những vị trí đau nhức phổ biến nhất sau khi mắc Covid-19 là vai và lưng, nhưng các vấn đề về khớp và cơ có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể.
Một số người gặp các vấn đề nghiêm trọng về vai và cánh tay sau Covid-19, đặc biệt là những người đã từng nằm viện. Đau nhức có thể cải thiện và mất đi khi sức khoẻ hồi phục. Nhưng nếu cảm thấy đau nhức nặng nề và nghiêm trọng, nên thăm khám với bác sĩ.
Cố gắng tăng dần số lượng chuyển động và hoạt động. Các khớp và cơ được thiết kế để di chuyển nhưng cần tự điều chỉnh và nghỉ ngơi khi cần thiết. Chú ý đến các triệu chứng khác khi vận động như mệt mỏi và khó thở.
Vận động vừa sức và làm nhiều hơn một chút mỗi ngày. Theo thời gian, bạn sẽ thấy mình ngày càng có thể làm được nhiều việc hơn.
Cố gắng dần dần trở lại thói quen bình thường của bạn bằng cách bắt đầu với các hoạt động dễ dàng hơn và sau đó từ từ giới thiệu những hoạt động thể chất hơn.
Các bài tập về tính linh hoạt giúp cải thiện số lượng chuyển động trong khớp hoặc cơ. Ví dụ như tập yoga - khí công, thái cực quyền
Xoa bóp bấm huyệt làm mềm các cơ và mô cứng
Xoa bóp bấm huyệt giúp làm mềm cơ, làm tăng độ đàn hồi của mô bằng cách tăng lưu lượng máu đến các khu vực, giảm căng cơ tổng thể, phát triển khối lượng cơ, tăng sức cơ, tăng tuần hoàn dinh dưỡng cơ để phòng chống teo cơ cứng khớp.
Nếu một mô có độ đàn hồi thấp, khả năng bị tổn thương hoặc đứt ra khi bị căng sẽ tăng lên. Xoa bóp, bấm huyệt có thể làm tăng độ đàn hồi của mô thông qua việc tăng lưu thông máu, làm ấm các mô cho phép chúng thư giãn.
Sự gia tăng độ đàn hồi của mô sẽ cải thiện hiệu suất, tính linh hoạt và phạm vi chuyển động, giúp người bệnh có thể đi lại, tham gia tập thể dục, có thể giúp họ khỏe mạnh và giảm nguy cơ té ngã.
Xoa bóp, bấm huyệt có thể làm giảm cơn đau bằng cách giải quyết các mô sẹo kết dính hoặc căng cơ, hỗ trợ loại bỏ các chất thải, tăng nhiệt độ mô. Xoa bóp có thể giúp giảm đau, thông qua lý thuyết cổng đau và giảm căng cơ.
Xoa bóp bấm huyệt giúp ngăn chặn các thông điệp đau đến não bởi nó được gửi đến một sợi thần kinh thay thế và dẫn truyền nhanh hơn. Căng cơ có thể dẫn đến đau do tích tụ các chất cặn bã và kết dính các sợi collagen.
Xoa bóp, bấm huyệt tạo ra cảm giác quan tâm và kết nối. Trong quá trình xoa bóp, bấm huyệt, sẽ tạo ra “hormone hạnh phúc” serotonin và dopamine, mang lại cảm giác bình tĩnh và giúp người được xoa bóp, bấm huyệt thư giãn, giảm căng thẳng. Endorphin chịu trách nhiệm điều chỉnh tâm trạng, sự thèm ăn và giấc ngủ.
Mức độ dopamine thấp có liên quan đến sự thiếu nhiệt tình và thiếu tự tin. Xoa bóp, bấm huyệt kích thích sự gia tăng dopamine, khiến cá nhân cảm thấy có động lực để thực hiện các hành động hướng tới mục tiêu mong muốn.
Xoa bóp, bấm huyệt có thể ức chế việc giải phóng cortisol, một loại hormone liên quan đến căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.
Sau Covid-19, một số người có thể bị đau nhức. Tuy nhiên, đau nhức cơ thể là triệu chứng phổ biến của nhiều vấn đề sức khỏe (nhiễm trùng, chấn thương, căng cơ…).
Có thể, đơn giản là do ngồi sai tư thế, tập thể dục cường độ cao hoặc lặp đi lặp lại các động tác nhất định đều có thể dẫn đến đau nhức cơ thể ở một số vùng cụ thể.
Những người đang bị đau nhức cơ thể dai dẳng trong nhiều tuần cũng nên liên hệ với bác sĩ để xác định nguyên nhân gây đau nhức và có hướng chăm sóc hay điều trị thích hợp.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3)