BS Nguyễn Trung Cấp
Nhập viện vì dùng an cung dự phòng tai biến
BS Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân được tuyến dưới chuyển lên hôm 31/3 vì nghi ngờ sốt xuất huyết, do có hiện tượng xuất huyết dưới da.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bệnh nhân được tiến hành các xét nghiệm, chiếu chụp cho thấy khả năng đông máu giảm, tình trạng xuất huyết dưới da ngày càng nặng, có chảy máu dạ dày, chảy máu trong cơ kèm theo biểu hiện suy gan.
Theo bệnh nhân chia sẻ, trước đó khoảng 3 tuần, bệnh nhân có uống một liều an cung ngưu hoàng để phòng tai biến. Rất nhiều bệnh nhân cao huyết áp có dự trữ thuốc này trong nhà để phòng ngừa nguy cơ. Nên khi nghe nói tác dụng của nó, ông đã mua, uống một liều để dự phòng điều mà ông luôn lo sợ, thấp thỏm.
BS Cấp cho biết, trước đây đã có những trường hợp uống an cung ngưu hoàng gây giảm đông máu, nhưng chỉ biểu hiện trên xét nghiệm các chỉ số đông máu giảm, chưa từng có trường hợp nào gây chảy máu nghiêm trọng như ca bệnh này.
Theo BS Cấp, việc uống an cung ngưu hoàng để dự phòng tai biến mạch máu não là… hoang đường. Bởi nó là một loại thuốc, phải có chỉ định dùng và trong trường hợp bị tai biến nhồi máu chứ không phải uống nó sẽ có tác dụng phòng tai biến. Về lý thuyết, tai biến nhồi máu não có thể cải thiện lâm sàng do thuốc làm giảm yếu tố đông máu. Còn trong trường hợp ngược lại, bị tai biến xuất huyết não, uống an cung ngưu hoàng càng nguy hiểm vì gia tăng chảy máu.
Ngay trong trường hợp tai biến nhồi máu não, có đông tắc mạch việc tùy tiện dùng thuốc rất nguy hiểm. Bởi nếu vùng nhồi máu quá lớn, khi dùng an cung sẽ gây nguy cơ chảy máu bên trong vùng nhồi máu làm chảy máu thêm trầm trọng hơn.
Đặc biệt, khi mới bị tai biến, không ai (kể cả bác sĩ) có thể khẳng định tai biến do nhồi máu não hay xuất huyết não, mà phải tiến hành chiếu chụp, xét nghiệm mới có thể khẳng định. Vì thế, tùy tiện dùng thuốc là rất nguy hiểm.
Bệnh nhân này đang được bồi phụ các yếu tố đông máu, về cơ bản sẽ dần ổn định nhưng về lâu dài chưa thể đánh giá do không biết tác dụng của an cung ngưu hoàng kéo dài bao lâu.
Sự đồn thổi nguy hiểm về “thần dược” an cung
Theo PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai), sự đồn thổi về loại “thần dược” an cung ngưu hoàng mạnh đến mức khiến nhiều người lưu trữ trong nhà, coi đây là một lá “bùa hộ mệnh” khi có tai biến. Không ít người đã ngậm ngùi vì người thân không qua khỏi, sống thực vật vì tin tưởng an cung ngưu hoàng.
Tại bệnh viện đã cấp cứu cho nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não không qua khỏi, hoặc để lại di chứng nặng nề do uống an cung ngưu hoàng.
“Đó là những trường hợp xuất huyết não, được người thân cho uống an cung ngưu hoàng trước khi nhập viện. Hậu quả là máu chảy ồ ạt, không cứu được người bệnh. Có cứu được thì não cũng bị di chứng nặng, sống cuộc sống thực vật”, TS Bình cho biết.
Có trường hợp bệnh nhân tai biến khi được đưa đến viện, máu đã chảy tràn trong não. Người nhà cho biết, khi thấy có dấu hiệu tai biến đã cho ngậm an cung.
“Bởi an cung ngưu hoàng có tác dụng chống đông. Bệnh nhân đang bị xuất huyết máu não, cần cầm máu không cho chảy thì lại uống an cung ngưu hoàng, khiến máu không thể đông lại, càng chảy máu nhiều thêm, càng nguy hại cho người bệnh”, TS Bình giải thích.
Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thể chảy máu nếu cho dùng thuốc này thì xuất huyết càng nặng hơn. Vì thế, trước khi dùng thuốc, người bệnh cần được chụp cộng hưởng từ, chẩn đoán chính xác tai biến mạch máu não có chảy máu hay không”, bác sĩ Thanh nói.
Điều này có nghĩa việc người dân trữ an cung ngưu hoàng trong nhà để dùng khi có tai biến là rất nguy hiểm. Bởi tai biến mạch máu não là một từ rất là chung liên quan đến các bệnh lý của mạch máu, trong đó có thể chảy máu não (xuất huyết não), nhồi máu não (tắc mạch não), theo đó cách điều trị cũng khác nhau.
Muốn phòng chống tai biến mạch máu não thì phải trị từ căn nguyên. Ví như nếu tăng huyết áp thì phải điều trị huyết áp để giảm nguy cơ vỡ mạch máu; bị xơ vữa động mạch tăng mỡ máu nhiều phải dùng thuốc chống mỡ máu….Việc dự phòng tai biến bằng an cung ngưu hoàng không có cơ sở, và dùng khi tai biến sẽ càng nguy hiểm nếu chưa xác định được tai biến do nhồi máu hay xuất huyết não.
Theo Dân Trí