Lá nếp thơm thường được dùng để tạo mùi thơm tự nhiên cho món ăn (Ảnh minh họa: Internet).
Cây nếp thơm (còn gọi là dứa thơm) có tên khoa học là Pandanus amaryllifolius Roxb. (P. odorus Ridl.), thuộc họ dứa dại – Pandanaceae. Cây mọc thành bụi, lùm cao đến 1m, thân rộng 1 – 3cm, chia nhánh.
Lá nếp thơm, đúng như tên gọi của nó, có mùi thơm như cơm nếp, không có lông, xếp hình máng xối, dài từ 30 – 50cm, rộng 3 – 4cm, mép không gai, mặt dưới màu nhạt, mặt trên láng. Không có hoa.
Cây nếp thơm khá lành, không gây độc hại nên hay được dùng như một loại phụ gia thực phẩm để tạo mùi thơm cho món ăn.
Lá nếp thơm được ứng dụng khá nhiều trong ẩm thực để tạo mùi cho các món chè, kem, các món bánh… Người ta còn lấy lá làm trà sâm lá nếp (trà sâm dứa) được nhiều người ưa thích vì tính giải nhiệt và hương thơm dễ chịu của nó.
Bài thuốc lá nếp thơm chữa tiểu đường được lan truyền trên mạng với cách dùng như sau: Lá nếp thơm phơi khô sao cho vẫn giữ được màu xanh của lá. Mỗi lần nấu lấy khoảng 10 lá khô đun với 2,5 lít nước, nấu sôi đến khi còn lại 2 lít.
Uống trước giờ ăn khoảng 20 phút, uống hết số nước này trong ngày, nếu 1 ngày ăn 3 bữa thì mỗi lần sẽ uống 0,7 lít nước lá nếp.
Lưu ý khi sử dụng bài thuốc điều trị tiểu đường bằng lá nếp thơm:
– Nên bắt đầu sử dụng với một lượng nhỏ sau đó tăng dần lượng lá nếp thơm.
– Khi dùng bài thuốc được 1 tuần nên kiểm tra chỉ số đường huyết để căn chỉnh liều lượng lá nếp thơm. Nếu đường huyết hạ nhiều nên giảm bớt lượng lá nếp thơm để tránh đường huyết giảm quá thấp.
– Nên sử dụng trong vòng 3 – 4 tuần để thấy rõ hiệu quả của bài thuốc. Nếu sau 4 tuần mà không có kết quả thì nên chuyển sang phương pháp điều trị khác.
– Lá nếp thơm rất an toàn, lành tính, ngay cả khi sử dụng để uống lâu dài với số lượng nhiều.
Chia sẻ quan điểm của mình về bài thuốc lá nếp thơm chữa tiểu đường, lương y Hoàng Duy Tân cho biết: “Đây là một kinh nghiệm dân gian, chưa được các nhà khoa học và chuyên môn lên tiếng. Tuy nhiên, dù bất cứ hình thức thuốc nào đều cần có yếu tố đáp ứng của người bệnh. Vì vậy, cần thăm dò từng bước trong quá trình sử dụng. Chúng tôi đề nghị khi dùng, quý vị nên dùng từ liều thấp tăng lên dần, đồng thời theo dõi kết quả thường xuyên. Nếu thấy không có hiệu quả hoặc có sự thay đổi nhất định nào đó thì không nên tiếp tục mà nên chuyển sang dùng loại khác thích hợp với cơ thể và bệnh chứng đó hơn. Vị thuốc lá dứa, xét về cơ bản, không thấy có độc tính, cho nên nếu uống không có kết quả trong điều trị tiểu đường, cũng không gây tổn hại các cơ quan tạng phủ bên trong cơ thể”.
Thái Phong
(theo Ttvn.vn – soha)