Gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa mới có kiến nghị gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nguy cơ tiêu vong các trường cao đẳng sư phạm.
Kiến nghị nêu rõ, tại Việt Nam, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm được hình thành từ rất lâu (gần 60 năm), trực thuộc chính quyền địa phương và được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và THCS, đáp ứng yêu cầu của địa phương. Trong khi đó, các trường đại học sư phạm trước đây chỉ đào tạo giáo viên THPT và một số năm gần đây mới được giao thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và THCS ở trình độ đại học với số lượng hạn chế.
Tuy nhiên, hiện nay các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang gặp phải những khó khăn rất lớn, có nguy cơ bị giải thể, do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do sự thay đổi trình độ chuẩn của giáo viên phổ thông theo Luật Giáo dục năm 2019 nên chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên tiểu học và THCS (nguồn tuyển sinh chính của trường CĐSP trước đây) bị cắt chuyển hẳn cho các trường đại học sư phạm trong khi hầu hết các trường đại học sư phạm lại chưa có bề dày kinh nghiệm trong việc đào tạo loại giáo viên này.
Thứ hai, do định hướng quy hoạch hệ thống trường sư phạm của Bộ GD&ĐT nên một số trường cao đẳng sư phạm địa phương đã được sáp nhập vào các trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia. Đây là một sự gán ghép khiên cưỡng giữa các trường khác đẳng cấp, gây thiệt thòi lớn cho những trường địa phương có đẳng cấp thấp hơn khi phải chấp nhận tiêu chuẩn của trường đẳng cấp cao hơn trong việc bố trí sử dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý.
Thứ ba, ở một số địa phương trường cao đẳng sư phạm sau khi đã teo tóp do bị cắt giảm nhiệm vụ (chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non) có khả năng trở thành một khoa trong trường dạy nghề, chịu sự điều chỉnh theo hướng “nghề hóa” như chỉ đạo hiện nay của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Từ các nguyên nhân trên, qua khảo sát thực tế, Hiệp hội cho rằng nguy cơ tiêu vong hệ thống trường sư phạm địa phương là rõ ràng.
Cần giữ nguyên vẹn hệ thống trường cao đẳng sư phạm
Từ những phân tích trên, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị:
Thứ nhất, cần duy trì việc phân cấp quản lý công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và THCS (kể cả việc giao chỉ tiêu và phân công công tác sau tốt nghiệp) cho các địa phương như vẫn làm từ trước tới nay. Việc Bộ GD&ĐT trực tiếp nắm một hệ thống sư phạm tập trung (thông qua 10 trường sư phạm trọng điểm) để đào tạo mọi loại giáo viên phổ thông là không khả thi.
Thứ hai, cần duy trì nguyên vẹn hệ thống trường cao đẳng sư phạm địa phương và có kế hoạch đầu tư toàn diện để vừa nâng cấp trình độ đào tạo giáo viên (lên đại học), vừa đa ngành hóa các trường này.
Thứ ba, trước mắt, chính quyền địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và THCS của địa phương để giao chỉ tiêu đào tạo và nâng chuẩn cho trường cao đẳng/đại học sư phạm địa phương của mình thực hiện.
Riêng đối với những trường sư phạm trong thời gian còn chưa đạt chuẩn đại học như quy định ở Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo cụ thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm (tại trường cao đẳng sư phạm địa phương) + 1 năm (tại trường đại học sư phạm trọng điểm).
Mô hình đào tạo này hiện nay đang được nhiều nước áp dụng và được xem như một giải pháp quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh ở các vùng khó khăn.
Thứ tư, Bộ GD&ĐT cần hướng các trường đại học sư phạm trọng điểm vào nhiệm vụ đào tạo giáo viên trung học phổ thông, đào tạo sau đại học, đào tạo giáo viên đặc biệt và nghiên cứu khoa học.
Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho biết, xóa bỏ các trường cao đẳng sư phạm là quan điểm sai lầm của Bộ GD&ĐT.
Thứ nhất, về bề dày kinh nghiệm, việc đào tạo giáo viên từ THCS xuống tiểu học là các trường địa phương chứ không phải trung ương.
Thứ hai, việc nâng cấp trình độ chuẩn của giáo viên là đúng. Nhưng cần song song với việc nâng cấp các cơ sở đào tạo. Chứ không phải là lấy nhiệm vụ của các cơ sở đó để “bắn” cho các trường trọng điểm.
Theo ông Khuyến, nếu chỉ thấy tình hình thực tế, không có cái nhìn quá khứ và tương lai, giờ thấy thừa mà xóa bỏ các đầu mối đào tạo thì sau này sẽ lĩnh hậu quả khôn lường. Trong đó có việc, liệu các sinh viên các tỉnh miền núi có về các trường trọng điểm để học? Hoặc sinh viên từ các trường trọng điểm tốt nghiệp có chịu về các tỉnh miền núi công tác hay không? Đó cũng là những nguy cơ nhìn thấy được, phải tính đến.
"Kinh nghiệm nhiều năm quản lý hoạt động sư phạm cho phép chúng tôi có thể khẳng định không nên xóa đi hệ thống sư phạm địa phương để thay thế vai trò của nó bằng khoảng 10 trường đại học sư phạm trọng điểm. Ở các nước, nhiệm vụ những trường trọng điểm là phải đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học. Chứ lại thêm chức năng đào tạo cả giáo viên THCS, tiểu học nữa… thì sẽ là quá tải", TS Lê Viết Khuyến.