Chủ động phát hiện sát nhân dấu mặt
BS Phan Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Medic Hòa Hảo, chuyên gia hàng đầu về xét nghiệm UT cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 100.000 người mắc UT mới, trên 50% số này đến viện ở giai đoạn muộn. Vì vậy, thái độ hữu hiệu nhất cho phòng chống UT là đối diện với sự thật, chủ động phát hiện vì UT là kẻ sát nhân giấu mặt. Để đến khi kẻ sát nhân lộ diện thì ta không còn cơ hội thoát hiểm. Có nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư, các phương pháp đều có ưu điểm riêng của nó.
Dấu ấn UT là một xét nghiệm máu làm nhanh, gọn, có giá trị tham khảo và phối hợp với các phương pháp khác mới có ý nghĩa phát hiện. Như một bệnh nhân trên 50 tuổi là tổng giám đốc một công ty lớn, bị viêm gan siêu vi B lâu ngày mà không quan tâm đo dấu ấn UT gan (AFP). Đến khi người bệnh ho ra máu mới phát hiện là UT gan thì đã di căn lên phổi, đo AFP 1.000ng/ml (bình thường AFP < 10ng/ml). Lúc đó ông đi nước ngoài chữa trị và cũng không sống quá sáu tháng. Chỉ vì bác sĩ chăm sóc sức khỏe của ông không biết đến hay không muốn tìm ra bệnh!
Trên thực tế, tuy xét nghiệm dấu ấn UT có tìm ra được nhiều vấn đề sớm nhưng cũng có thể gây hoang mang cho nhiều bệnh nhân, vì họ không biết giải thích, xử trí ra sao khi chỉ báo là dương tính mà đi tìm UT thì không thấy. Nhiều người “lành” đó cũng trở nên “bệnh” vì bị ám ảnh. Vì vậy xét nghiệm dấu ấn UT phải được một BS chuyên khoa ung bướu lượng giá, phân tích và tư vấn đến nơi đến chốn.
Để đánh giá một kết quả xét nghiệm tìm dấu ấn UT có tin cậy được không, theo BS Phan Thanh Hải phải dựa trên ba yếu tố: độ nhạy, độ đặc hiệu và quy luật phát triển theo thời gian. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính cần bình tĩnh, làm lại một lần nữa vào tháng sau. So hai kết quả và tìm một bác sĩ chuyên khoa ung bướu để tư vấn. Ví dụ, nếu kết quả xét nghiệm có dấu ấn UT buồng trứng (CA 12-5) cao hơn bình thường thì một tháng sau làm lại. Nếu chỉ số này giảm hoặc ở ngưỡng bình thường thì kết quả trước là dương tính giả. Tuy vậy, ta cũng không nên chủ quan mà cần phải làm đi làm lại vài ba lần.
Lấy máu xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư |
Tìm bộ chất định hướng
Tương tự, BS Cao Hồng Phúc, Giảng viên học viện quân y 103 cho biết, chúng ta nên phòng bệnh hơn là chống bệnh. Xét nghiệm máu với độ đặc hiệu dao động tùy từng cơ quan vào khoảng từ 50-80% nên khi phát hiện một chất chỉ điểm UT tăng cao chúng ta cần bình tĩnh làm thêm các xét nghiệm lâm sàng khác. Nếu kết quả chưa rõ ràng ta cần phải đưa ra hai phương án tác chiến.
Thứ nhất, truy tìm nguồn gốc của chất chỉ định xem ở cơ quan nào bằng bộ chất định hướng UT của cơ quan đó (mỗi cơ quan thường có khoảng 3 chất định hướng). Phải bình tĩnh, thực hiện việc ăn uống, nghỉ ngơi bình thường, có thể loại bỏ ăn và uống các chất nghi ngờ như: đậu phụ, thịt, thuốc lá...thậm chí tạm dừng các loại thuốc điều trị bệnh không quá gây nguy hiểm cho sức khỏe...trong vòng 3 -10 ngày trước khi xét nghiệm lại lần 2. Bởi trong thực phẩm và thuốc có thể có những phản ứng chéo tác động vào máu làm sai lạc kết quả. Khi xét nghiệm lại nên làm ở ít nhất tại 2 cơ sở y tế trong đó có 1 cơ sở chuyên khoa và 1 cơ sở tham chiếu.
Thứ hai, ngoài việc xét nghiệm máu cần làm thêm các xét nghiệm khác, khám lâm sàng và tiến hành thăm dò cận lâm sàng để chẩn đoán. Chỉ định cận lâm sàng phải dựa trên cơ sở thăm khám lâm sàng kết hợp với kết quả xét nghiệm tùy theo cơ quan nghi ngờ bệnh lý UT mà có các chỉ định thăm dò khác nhau.
Chẳng hạn với tuyến tiền liệt thì siêu âm, chụp cắt lớp vi tính...Với UT vú, tuyến giáp thì ngoài siêu âm, chụp vú... thì phải chọc hút tế bào. Khi làm đầy đủ các bước này nếu >90% có kết quả âm tính người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm. Còn nếu các xét nghiệm lâm sàng chưa phát hiện được bệnh lý chỉ có xét nghiệm máu dương tính thì người bệnh cũng không nên quá lo lắng, tiếp tục theo dõi và thăm khám định kỳ.
Người nguy cơ cao chưa hẳn đã mắc ung thư
GS.TS Nguyễn Bá Đức, Nguyên giám đốc bệnh viện K, Phó chủ tịch Hội UT Việt Nam khẳng định, ai cũng có thể bị UT và thực tế bệnh UT ngày càng có xu hướng gia tăng nhưng không vì thế mà chúng ta lo lắng thái quá. UT không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa, 1/3 UT có thể dự phòng được, 1/3 các loại UT có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bằng các phương pháp điều trị chúng ta có thể kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng sống cho 1/3 bệnh nhân UT còn lại. Tại một số nước phát triển, đã chữa khỏi được 70% bệnh ung thư.
Do đó, chẩn đoán xác định bệnh UT là bước quan trọng nhất khi người bệnh nghi ngờ UT tìm đến với thầy thuốc. Quá trình chẩn đoán UT đi từ đơn giản như hỏi, khám bệnh bằng nhìn, sờ, gõ, nghe đến phức tạp hơn như quan sát các tế bào, các bào quan, các phân tử dưới kính hiển vi điện tử. Với nhiều phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại, tinh vi cho phép tiếp cận hầu như mọi ngóc ngách trong cơ thể, giúp chẩn đoán UT càng sớm và chính xác hơn.
Để phát hiện sớm UT người bệnh nên có thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ. Đối với những người có nguy cơ cao càng cần phải chú ý. Chẳng hạn, những người có tiền sử chửa trứng hay sẩy, nạo thai nhiều lần dễ bị UT carcinôm màng đệm; UT dương vật thường xảy ra ở người bị hẹp bao quy đầu; UT gan ở những người viêm gan mạn, xơ gan; UT dạ dày ở những người loét dạ dày đã nhiều năm hoặc có viêm vô toan, giảm acid; UT đại trực tràng ở những người viêm đại tràng mạn hoặc có tiền sử polyp...
Tuy nhiên, trên thực tế, theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, kể cả những người thuộc điện có nguy cơ cao với UT cũng chưa hẳn đã mắc ung thư. Chúng ta hãy tự lắng nghe cơ thể, đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường và đặc biệt cần lưu ý đến những triệu chứng báo động như: Thay đổi thói quen của ruột, bàng quang như ỉa chảy kéo dài không rõ nguyên nhân, đái dắt, đái khó, kéo dài...; Vết lở loét kéo dài không khỏi với các thuốc điều trị thông thường; Chảy máu, tiết dịch bất thường; Một u ở vú hoặc ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, có khi chỉ là chỗ dày lên; Khó nuốt, rối loạn tiêu hóa kéo dài; Nốt ruồi thay đổi kích thước, màu sắc nhất là chảy máu; Ho dai dẳng khàn tiếng kéo dài...
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, có nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư. Trong thực tế, phương pháp nào cũng có âm tính và dương tính giá tuy mức độ có khác nhau. Bệnh nhân cần phối hợp với thày thuốc để lựa chọn, kết hợp thực hiện các phương pháp khác nhau, trong đó có những phương pháp nhất thiết phải làm. Tuy nhiên, con đường chẩn đoán UT hợp lý nhất là đi từ lâm sàng đến cận lâm sàng, từ giản đơn đến phức tạp. Để kết luận UT bắt buộc phải có kết luận sinh thiết.
Sau 50 tuổi nên tầm soát ung thư
“Với tần suất UT của Việt Nam hiện nay chỉ nên cho xét nghiệm truy tìm dấu ấn UT ở người trên 50 tuổi, người có nguy cơ cao (có người thân trong gia đình bị ung thư), người bị UT đang điều trị hoặc đã khỏi nhưng cần theo dõi tái phát. Ở nam giới nên xét nghiệm truy tìm dấu ấn UT gan, UT tiền liệt tuyến và UT đường tiêu hóa - đây là những UT thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Nam giới cũng hay bị UT phổi nhưng chỉ chụp CT scanner phổi với liều tia thấp để kiểm tra là đủ. Với phụ nữ, những xét nghiệm sinh học tìm dấu ấn UT vú không có giá trị nhiều mà cần siêu âm, chụp nhũ ảnh. Phụ nữ cũng dễ bị UT tuyến giáp nhưng chỉ cần siêu âm tuyến giáp là đủ. Đặc biệt, UT buồng trứng là loại UT giết phụ nữ rất nhiều nên cũng rất cần được xét nghiệm, siêu âm kiểm tra...” – BS Phan Thanh Hải