Dương tính giả và chưa có đủ cơ sở khoa học chứng minh
Đem ý kiến uống nước lá vối, linh chi, trà ô Long khiến chỉ số dấu ấn cảnh báo UT tăng cao, PGS.TSKH Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền cho biết, khi chưa có cơ sở khoa học chắc chắn không thể kết luận vội vàng. Các nghiên cứu khoa học từ trước đến nay chưa thấy có công trình nào chứng minh vấn đề đó.
Việc nghiên cứu đưa ra nhận định ban đầu chỉ có tính chất tham khảo, cần có các nghiên cứu cụ thể mới có đủ cơ sở khoa học để kết luận. Từ xưa tới nay, linh tri, trà vẫn được coi là những chất có tác dụng phòng ngừa ung thư. Linh chi là loại nấm rất tốt cho thải độc gan nhưng ít có tác dụng với dạ dày. Nước vối cũng giúp thải độc, tốt cho tiêu hóa, gan thận, mỡ máu và bệnh gút. Vì vậy, nếu nói uống nước linh chi, vối và trà gây tăng chỉ số cảnh báo UT dạ dày thì cần phải tìm ra các bằng chứng khoa học chứng minh cụ thể tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Trao đổi với BS Phan Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Medic Hòa Hảo, chuyên gia hàng đầu về xét nghiệm cho biết, có rất nhiều yếu tố gây tăng chỉ số UT - được gọi là chỉ dấu UT giả như: chế độ ăn uống (ăn nhiều đậu phụ, uống linh chi, trà...), dùng thuốc...Điều này lý giải cho vấn đề có rất nhiều người khi đi xét nghiệm chỉ số cảnh báo UT tăng vọt hốt hoảng tìm đến các bệnh viện và bác sĩ sẽ cho làm đủ loại chẩn đoán cận lâm sàng khác như chụp MRI, CT scan, nội soi, siêu âm, có khi cho chụp cả PET CT... để xác định xem có bị UT hay không và khi được khuyên thay đổi chế độ ăn uống, dùng thuốc một thời gian sau xét nghiệm thì chỉ số lại trở về bình thường.
Tìm hiểu về vấn đề này ông mới hay, các bác sĩ Đài Loan đã công bố một công trình nghiên cứu sử dụng trà ô long với nấm linh chi làm chỉ số UT thay đổi bất thường, đặc biệt là UT tuyến tụy và đường tiêu hóa. Đây là một nghiên cứu ngắn hạn mới đưa ra những tình huống dương tính giả mà chưa có nghiên cứu xem tại sao nó gây phản ứng như vậy và tăng cao nó có gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe....
Uống trà linh chi có thể gây tăng chỉ số xét nghiệm ung thư giả |
Theo BS Hải, thực tế đến nay, khoa học cũng chưa lý giải được tại sao lại xuất hiện chỉ số giả. Tuy nhiên, thực tế ông cũng đã ghi nhận có gia đình ba thế hệ có chỉ số UT đường tiêu hóa (chỉ số CEA) rất cao. Từ người mẹ đến con trai, cháu nội mới hơn 10 tuổi đều có chỉ số CEA cao mặc dù được ông khuyên gia đình thay đổi thói quen ăn uống và đến xét nghiệm lại thì chỉ số này vẫn không thấy giảm. Đến nay các bác sĩ vẫn không lý giải được vì sao CEA lại cao như vậy suốt ba, bốn năm nay mà cả gia đình ba thế hệ chưa ai bị UT dù đã cho làm thêm nhiều chẩn đoán hình ảnh, cận lâm sàng khác. Nhưng chỉ số này cao có thể liên quan đến yếu tố gen di truyền gia đình này và đây là dương tính giả.
Dùng quá lợi hóa hại
BS cao cấp, TTND Nguyễn Xuân Hương, Nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam thừa nhận, việc chỉ số cảnh báo UT tăng cao do tác động của ăn uống không có gì là lạ. Từ xưa đến nay việc ăn uống sinh bệnh đã được cổ nhân tổng kết “bệnh tòng khẩu miệng” – Bệnh theo đường miệng mà vào và cũng có thể ra từ đường miệng nếu ta biết cách ăn uống đúng. Ăn uống bất cứ thứ gì, kể cả chất bổ, các loại rau quả cũng đều sinh ra chất độc nếu sử dụng không hợp lý.
Kiêng khem cũng gây bệnh và ăn quá độ lại càng nguy hiểm. Vì vậy, ăn uống cần phải cân bằng dinh dưỡng, cân bằng động giữa âm và dương, giữa hàn và nhiệt, giữa bên trong và bên ngoài. Bất kỳ thuốc hoặc đồ ăn thức uống nào, khi đưa vào cơ thể cũng phải được lựa chọn cẩn thận để không làm mất thế cân bằng sinh tử này. Do đó, để phòng tránh bệnh tật, trong ăn uống luôn phải đảm bảo: đủ 5 loại ngũ vị (chua, ngọt, cay, mặn, đắng) và đủ các loại màu sắc (trắng, đen, xanh, tím, đỏ)...
Phân tích về vấn đề này, Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Việt Nam cho biết, linh chi, trà, nước vối... từ xưa đến nay vẫn được coi là loại thảo dược có tác dụng thải độc, có lợi cho tiêu hóa, phòng ngừa ung thư. Tuy nhiên, khi dùng bất cứ sản phẩm nào cũng cần chú ý đến liều lượng và tính an toàn. Bởi lạm dụng sẽ thành lợi bất cập hại.
Chẳng hạn, những nghiên cứu gần đây cho thấy nếu chỉ uống nước lọc, nước trắng thì sau một thời gian ngắn (3-40 phút) cơ thể sẽ đào thải hết, nhưng nếu uống nước vối hoặc nước chè tươi, sau thời gian ấy cơ thể chỉ thải loại 1/5 lượng nước đã uống, phần còn lại sẽ thải ra từ từ sau đó. Đây cũng lá lý do để người ta lấy ra giải thích cho hiện tượng, ngừng uống nước lá vối một thời gian thì chỉ số về bình thường.
Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt nên có nhiều người uống nước vối khi đói bụng thường hay bị cồn cào do nhu động ruột hoạt động nhiều, gây cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, sa sầm mặt mày, mất năng lượng. Đặc biệt, trong lá vối tươi có các tác nhân kháng viêm và kháng khuẩn rất mạnh có thể dẫn tới tình trạng hao huyết (huyết khô khiến người bệnh hoa mắt, chóng mặt...) và tiêu diệt những vi khuẩn có lợi. Uống quá nhiều lá vối đôi khi còn gây rối loạn tiêu hóa.
Xét nghiệm máu tìm chỉ số cảnh báo ung thư |
Linh chi là một loại dược liệu quý nhưng có rất nhiều lợi ích nhưng việc sử dụng cũng cần cẩn thận. Những người huyết áp thấp, những người đang điều trị bệnh tăng huyết áp, hoặc những người phải phẫu thuật không nên dùng linh chi. Huyết áp thấp có thể tốt cho cơ thể, nhưng nếu nó xuống quá thấp sẽ gây nên tình trạng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và ngăn chặn sự hình thành các màng máu, làm cho máu chảy không dừng. Nấm linh chi cũng có thể gây ra các phản ứng phụ khác bao gồm khô miệng, cổ họng và vùng mũi bị ngứa, đau bụng, chảy máu cam, chảy máu. Linh chi dạng bột có thể có tác động xấu đến gan,....
Trà có thể gây ngộ độc thần kinh và tim mạch
Tương tự, BS Cao Hồng Phúc, học viện quân y 103 cũng cho biết, chỉ dựa vào một nghiên cứu không thể kết luận được tác động của trà, linh chi... gây chỉ số UT ảo. Bởi thực tế có rất nhiều yếu tố khác trong ăn uống, bệnh lý, thuốc...có phản ứng chéo làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Vì vây, cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống, dùng thuốc... để xét nghiệm lại. Tuy nhiên, dùng bất kỳ loại thực phẩm, dược phẩm gì cũng cần lưu ý để đảm bảo an toàn. Chẳng hạn, trà là thức uống phổ biến được ca ngợi có nhiều tác dụng tốt. Nhưng nếu không biết cách uống trà, say trà hoặc đưa quá nhiều lượng caffein trong trà vào người không chỉ gây say, mắc nhiều bệnh lý mà còn có thể tử vong.
BS Phúc phân tích, trong trà có chứa một loại hoạt chất caffein (hàm lượng vào khoảng 3% khối lượng khô của trà). Caffein là một alkaloid thực vật có màu trắng, hơi đắng. Nó có tác dụng kích thích thần kinh, hoạt hóa tim mạch, làm thức tỉnh, làm lợi tiểu và nhiều tác dụng khác. Ở đây, trong khi say trà caffein đã tác động lên hệ thần kinh và gây nhiễm độc cho hệ này gây nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, tạo ra cảm giác cồn cào gan ruột, buồn nôn và nôn, thậm chí có thể gây cuồng động hoặc trầm cảm, mất định hướng, ảo giác hay các rối loạn tâm thần, thậm chí liều cực cao (theo đường lạm dụng thuốc) thì caffein có thể gây tử vong. Liều lượng gây tử vong ở người là 200mg/kg cân nặng.
“Thực tế đến nay, khoa học cũng chưa lý giải được tại sao lại xuất hiện chỉ số UT giả. Và chỉ số UT này lâu dài có gây UT thật hay không thì chưa thể biết được. Vì vậy, khi có chỉ số cảnh báo UT tăng cao người dân cần bình tĩnh thăm khám để xem đó là chỉ số thật hay chỉ số giả và truy tìm nguyên nhân chỉ số giả do đâu để loại trừ (ngừng ăn uống các loại thực phẩm, thuốc đó)” – BS Phan Thanh Hải