Công nghệ xử lý nước rỉ rác
Nước rỉ rác được sinh ra từ rác thải, loại nước thải từ rỉ rác thường đi kèm với mùi xú uế, chứa nhiều chất rất độc hại như kim loại nặng, các vi trùng, vi khuẩn gây bệnh… có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nếu thấm vào đất, nước rỉ rác thải sẽ gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước ngầm, nếu chảy vào kênh sẽ hủy hoại môi trường thủy sinh ở khu vực đó. Vì vậy, rất cần thiết phải xử lý triệt để nước rỉ rác trước khi thải ra môi trường.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, kéo theo đó là lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác thải hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tạo điều kiện cho nước rỉ rác thải thẳng ra môi trường, khuếch tán mầm bệnh gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
Bình quân 1000 tấn rác thải ngày đêm thì lượng nước thải sinh ra là 80-90m3 nước rỉ rác. Do đó, ô nhiễm bởi nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp tập trung trở thành vấn đề nóng hàng chục năm nay.
Một số công nghệ xử lý nước rỉ rác đã được nghiên cứu, ứng dụng như kết hợp nước rỉ rác với nước thải sinh hoạt, quay vòng nước rỉ rác, xử lý hóa lý hay xử lý bằng các hồ sinh học… Tuy nhiên, do công nghệ không phù hợp với đặc tính nước rỉ rác ở Việt Nam, nên hầu hết nước rỉ rác tại bãi chôn lấp hiện nay đều thải trực tiếp vào môi trường, khuếch tán mầm bệnh.
Trước thực tế đó, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm đã đề xuất giải pháp công nghệ xử lý sinh học, sử dụng chất oxy hóa mạnh H2O2 để phá vỡ cấu trúc của các cơ chất khó phân hủy trong nước rỉ rác thành dạng dễ phân hủy hơn, sau đó khai thác năng lực đồng hóa cao của hệ vi sinh vật hiếu khí để xử lý các chất này.
Công nghệ sử dụng chất oxy hóa mạnh H2O2 nằm trong Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác từ bãi chôn lấp rác thải quy mô cấp huyện.
Thiết bị trộn -sục khí tầng sôi
Điểm khó nhất để sử dụng chất oxy hóa mạnh H2O2 là cần loại hết lượng H2O2 tồn dư sau khi đưa vào, giúp duy trì nồng độ oxy hòa tan đủ cao trong môi trường, các vi sinh vật hiếu khí mới có thể hoạt động hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm đã đề ra phương án cấp khí mạnh trong môi trường lỏng với thiết bị trộn-sục khí tầng sôi.
Thiết bị trộn -sục khí tầng sôi là sáng chế của Viện. Thiết bị này sục phân tán không khí vào trong nước hay vào môi trường lỏng, với đặc tính công nghệ cạnh tranh hơn so với các dạng thiết bị cấp khí hiện hành.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, người phụ trách dự án của Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm nhấn mạnh, điểm mới của thiết bị trộn -sục khí tầng sôi là kiểu hợp khối đồng thời, nhưng tách biệt 3 bộ cánh quạt đã làm cho quá trình vận chuyển ly tâm 3 cấu tử nước phía trên, khí ở giữa và nước phía dưới hoàn toàn độc lập với nhau.
Đồng thời, thiết bị khai thác được ưu thế vận chuyển khí lớn của quạt khí ly tâm và cho phép điều chỉnh được lượng không khí sục vào môi trường lỏng, là 2 đặc tính không thực hiện được khi sử dụng thiết bị khuấy trộn tuốc bin trục rỗng. Thiết bị này có thể ứng dụng để cấp khí vào môi trường trong công nghệ lên men hiếu khí, trong xử lý nước thải, xử lý nước hồ hay trong các hồ nuôi trồng thủy hải sản, hoặc có thể được ứng dụng để trộn phân tán giữa 2 pha khí và lỏng (hay giữa 2 pha linh động với nhau) để cải thiện hiệu quả trích ly các cấu tử cần tách từ pha này sang pha kia.
Dự án này hiện đang được Công ty Cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 11 (URENCO 11) thí nghiệm sử dụng tại bãi chôn lấp xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Công nghệ này đã giúp xây dựng được hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 50 m3/ngày đêm, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đáp ứng quy định QCVN 25:2009/BTNMT.
Với đặc tính công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, thiết bị trộn -sục khí tầng sôi được áp dụng vào thực tế đã tháo gỡ được vấn đề nan giải, giúp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm nước rỉ rác tại bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt.
Thành công của công nghệ này là cơ sở thực tiễn để nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong kiểm soát ô nhiễm nước rỉ rác tại các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung quy mô cấp huyện sang các tỉnh khác.
Hồng Nhung