GS.TS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn Toán cho biết, tên gọi "xác suất, thống kê" - vốn là khái niệm trừu tượng nên nhiều người có cảm giác lo sợ rằng con trẻ sẽ bị quá tải, bị học khó quá và không cần thiết phải học khó như thế ở lớp 2, lớp 3.
Nhưng nếu nghiên cứu chương trình, đọc các bài học thiết kế theo chương trình sẽ thấy nó nhẹ nhàng, đơn giản nhưng rất thiết thực với học sinh từ bậc tiểu học.
Ví dụ khi chơi cá ngựa, mỗi lần gieo viên xúc xắc, các em học sinh sẽ thấy không thể chắc chắn gieo được mặt sáu, mặt năm, mà còn có thể có cả một, hai... Thao tác đó cho các em khái niệm về sự "chắc chắn" hay "có thể".
Hay một trò chơi khác, cho các quả bóng màu xanh và đỏ vào hộp kín và thò tay lấy bóng ra, có thể sẽ lấy vào quả xanh, nhưng có thể lấy quả đỏ.
Thực chất, xác suất thống kê đơn giản, nhẹ nhàng như thế. Đó là cách để trẻ có khái niệm ban đầu về những hiện tượng, sự việc có thể hoặc không thể xảy ra trong cuộc sống. Nó không chỉ có trong toán, mà còn có trong các môn học khác như tự nhiên xã hội khi đặt ra các tình huống cụ thể.
GS Đỗ Đức Thái lấy ví dụ, nếu sờ tay vào ổ điện, ổ điện không có điện sẽ không sao cả, nhưng nếu có điện sẽ gặp nguy hiểm. Dạy trẻ điều đó để biết khi ta hành động thì sẽ xảy ra hậu quả gì...
Bài học về "thống kê" ở tiểu học cũng đơn giản như vậy. Ở lớp 2, trẻ có thể sẽ thực hiện các yêu cầu đi trong lớp xem có bao nhiêu bạn đang có tẩy, bút chì, vở và ghi lại con số đã đếm. Đó là cách để trẻ làm quen với thao tác thu thập, kiểm đếm đơn giản.
Ở lớp 3, cao hơn một chút, sẽ ấn định tiêu chí để học sinh thu thập, kiểm đếm. Ví dụ đặt yêu cầu "hãy xem lớp có bao nhiêu bạn nam, bao nhiêu bạn nữ?". Học sinh đếm và ghi thống kê số học sinh nam riêng, nữ riêng, trên tổng số bao nhiêu...
Chung quan điểm, TS Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, nếu nhìn vào chương trình, nhất là nhìn vào các bài học trong SGK - cụ thể hóa chương trình thì thấy "xác suất, thống kê" không đáng sợ, không ghê gớm như nhiều người đang lo lắng.
Nó sẽ khó nếu mang các khái niệm trừu tượng với cách diễn giải khó hiểu, hàn lâm áp đặt vào học sinh. Nhưng sẽ dễ hiểu và đơn giản nếu đưa nó vào các hoạt động, tình huống cụ thể, thao tác cụ thể.