Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển giao thông vận tải đường sắt.
Đồng thời, hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT chủ trì xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2018/NĐ-CP của Chính phủ để bổ sung ngành nghề kinh doanh quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Xem xét, xử lý kiến nghị về việc phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội.
Bộ Tài chính xem xét, xử lý các kiến nghị về việc: mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp liên quan đến chạy tàu; giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; cho phép các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
Xem xét phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa các công ty vận tải đường sắt; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuế sử dụng đất của các doanh nghiệp vận tải đường sắt.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương xem xét, xử lý kiến nghị về việc bổ sung các sản phẩm lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư.
Bộ TN-MT hướng dẫn cụ thể về việc ưu đãi, hỗ trợ trong việc sử dụng đất dành cho đường sắt và bổ sung quy định này trong Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, xử lý kiến nghị về việc giãn tiến độ trả nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng cho các dự án đầu tư của các công ty vận tải đường sắt.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, xử lý kiến nghị về việc cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các chính sách hỗ trợ người lao động.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua thực hiện bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP....