Việt Nam giảm 3/5 số tử vong mẹ

(khoahocdoisong.vn) - Tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh ở khu vực nông thôn, miền núi cao gấp 2 - 3 lần so với vùng thành thị.

Đó là con số Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em đưa ra tại Hội thảo “Chăm sóc cấp cứu sản khoa và sơ sinh thiết yếu tại một số huyện thuộc 4 tỉnh miền núi phía Bắc”, ngày 12/4.

Theo đó, Việt Nam tự hào là một trong rất ít nước trên thế giới đã giảm được 3/5 số tử vong mẹ (TVM) trong giai đoạn 1990 – 2015, đạt mục tiêu thiên niên kỷ số 5 là cải thiện sức khỏe đã giảm TVM. Cùng với giảm tử vong mẹ, cơ hội sống của trẻ sơ sinh cũng được cải thiện, tỷ suất tử vong sơ sinh (TVSS) là 9,5 phần nghìn.

Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn về tình trạng sức khoẻ của TVM và TVSS giữa các vùng miền, dân tộc và nguyên nhân chính liên quan đến tình trạng cấp cứu không được xử trí phù hợp và kịp thời. Điều tra TVM qua các thời kỳ cho thấy, tỷ số TVM ở khu vực nông thôn miền núi cao cấp 3 lần so với khu vực nông thôn đồng bằng; Nghiên cứu gần đây ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy, TVM ở người dân tộc cao gấp 7 lần so với người Kinh, ở dân tộc H’mông cao hơn 7 lần so với người dân tộc Tày.

Tỷ lệ TVSS cũng tương tự như TVM. Theo báo cáo hàng năm của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em, tỷ lệ TVSS đang chiếm tới 70% số tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và > 50 số tử vong trẻ dưới 15 tuổi. Khu vực Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc là những vùng có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi cao nhất cả nước. Tỷ suất tử vong trẻ em của dân tộc thiểu số cao gần gấp 3 lần so với trẻ em dân tộc kinh.

Nguyên nhân trực tiếp gây TVM là các tình trạng cấp cứu như chảy máu, sản giật. TVSS trong vòng 24 giờ sau nhập viện chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 40% trẻ sơ sinh ngừng thở trước khi nhập viện (Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM). Vì vậy, hội thảo đã thảo luận các can thiệp chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.                                   

Theo Đời sống
back to top