Mới đây, nghiên cứu của bà Jane Sandall, giáo sư khoa học xã hội và sức khỏe phụ nữ tại Đại học King London (Anh), về tình trạng mổ lấy thai năm 2015 có 29,7 triệu ca đẻ mổ trên thế giới, chiếm 21% tổng số ca sinh nở. Tỷ lệ này được cho là quá cao bởi chỉ 10-15% trường hợp thực sự cần đẻ mổ do biến chứng khi sinh. Năm 2000, số ca đẻ mổ là 16 triệu, chiếm 12% tổng số ca sinh nở.
Cộng hòa Dominica là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ đẻ mổ cao nhất với 58%. Tiếp đến là Brazil, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 50%.
Kể từ 1985, tức thời điểm WHO đưa ra mục tiêu đó, việc lựa chọn hình thức đẻ mổ đã được theo dõi kỹ càng - nhưng tới mức nào là quá nhiều?
Người ta tính rằng nếu tỷ lệ đẻ mổ là 10% thì tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và thai sản sẽ giảm, bởi sẽ có nhiều phụ nữ có cơ hội được cứu sống nhờ hình thức phẫu thuật này.
Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy tỷ lệ tử vong sẽ giảm hơn nữa nếu như tỷ lệ đẻ mổ tăng cao hơn 15%, rõ rệt nhất là ở các nước như Brazil hay Cộng hòa Dominic, nơi có tỷ lệ đẻ mổ vào khoảng 56% tổng các ca sinh nở.
Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu thực trạng mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ sản trung ương năm 2017 với tất cả các sản phụ đến phẫu thuật mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ sản trung ương trong năm 2017 của một nhóm chuyên gia, bác sĩ ở BV này cho thấy: Tỷ lệ mổ đẻ tại bệnh viện này năm 2017 là 54,4%. So sánh với các nghiên cứu trước đây, tỷ lệ này đã tăng lên một cách đáng kể.
Tỷ lệ này năm 1997 chỉ là 25,2%; năm 2004 là 36,9%; năm 2012 là 23,1% trong đó con so chiếm 51,9%.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ thai phụ đẻ mổ chủ động chiếm đến 55,45%, chủ yếu ở các nhóm thai phụ có tiền sử đẻ mổ, đẻ con so, hỗ trợ sinh sản và song thai. Về tuần thai khi thực hiện phẫu thuật lấy thai cũng được nghiên cứu này đánh giá là sớm hơn.
Lý giải cho điều này, nhóm chuyên gia cho rằng trường hợp bắt buộc phải mổ đẻ đối với thai non tháng thì thai phụ lựa chọn Bệnh viện với mong muốn được chăm sóc sơ sinh non tháng tốt hơn. Thứ 2, do bệnh viện đã và đang điều trị nhiều trường hợp thai phụ dọa đẻ non, rau tiền đạo, tiền sản giật... mà trong nhiều trường hợp bắt buộc phải mổ đẻ do bệnh lý mẹ và bệnh lý thai.
WHO khuyên các nước chỉ giữ tỉ lệ này ở mức 10 – 15%, tức là ở mức can thiệp cho các ca đẻ khó, với mục đích cứu sống mẹ và con. Một báo cáo của WHO đã so sánh cách trẻ sơ sinh ra đời ở các nước và kết quả cho thấy trong số các nước được theo dõi, chỉ có 14 nước thực hiện đầy đủ hướng dẫn của WHO, trong đó có U-crai-na, Nam-mi-bi-a, Goa-tê-ma-la và Ả-rập Xê-út. Các nước còn lại (như Đức, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì và Mỹ) cho trẻ sinh mổ quá nhiều.
Theo một bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ hiện nay các mẹ sính mổ lấy thai. Những yếu tố làm gia tăng tỉ lệ mổ lấy thai đó là tiến bộ của khoa học kỹ thuật như ngành gây mê hồi sức, kháng sinh thế hệ mạnh, có phổ tác dụng rộng, các trang thiết bị hiện đại giúp chẩn đoán sớm bệnh lý thai nhi như dây rốn quấn cổ, suy thai mãn, suy thai cấp, các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo…
Ngoài ra, tâm lý sản phụ và gia đình cũng thay đổi, quan niệm mổ lấy thai tốt hơn đẻ thường, sợ đau, sinh ít con, sinh con theo giờ và sợ tổn thương âm đạo do sinh. Còn bác sĩ cũng bị áp lực từ sản phụ và gia đình của họ. Bác sĩ theo dõi một ca sinh thường lâu hơn, mổ an toàn hơn cho những ca chuyển dạ tiên lượng khó.
PGS.TS Vũ Bá Quyết – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cho biết tỉ lệ sản phụ được bác sĩ mổ phẫu thuật lấy thai chủ động ngày càng nhiều. Trong số 10 bà bầu nhập viện để chờ sinh thì có 9 người xin bác sĩ được đẻ mổ.
Theo ông Quyết, tuy mổ đẻ tránh cho người mẹ những cơn đau khi sinh nở nhưng sau đó lại làm sản phụ đau đớn hơn nhiều so với cách sinh thường. Mổ đẻ còn có thể gây dính ruột, tắc ruột, sẹo tử cung, khiến lần mang thai sau dễ gặp tai biến do nứt sẹo.