Vi khuẩn Salmonella và E.coli nguy hiểm thế nào?

So với E.coli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng và nguy hiểm hơn. Để đảm bảo sức khỏe, nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn, bạn nên đi khám khi có dấu hiệu sốt cao kèm tiêu chảy, mất nước, đau bụng dữ dội,...
Tính đến ngày 7/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai ghi nhận 568 ca ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng. Hiện hơn 200 bệnh nhân đã xuất viện, 119 trường hợp theo dõi tại nhà, 12 ca nặng phải chuyển viện, số khác vẫn đang điều trị. Trong số đó, ca nặng nhất hôn mê sâu, thở máy, lọc máu, vận mạch. Nguyên nhân ngộ độc ở Đồng Nai bước đầu được cơ quan chức năng xác định do vi khuẩn Salmonella và E.coli.
Sự nguy hiểm của khuẩn Salmonella
Được biết, vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra đây là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy trên toàn cầu; nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn. CDC ước tính, vi khuẩn này gây ra khoảng 1,35 triệu ca bệnh, 26.500 ca nhập viện và 420 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm.
Khuan Salmonella, E.coli gay ngo doc o Dong Nai nguy hiem sao?
Nguyên nhân ngộ độc ở Đồng Nai bước đầu được cơ quan chức năng xác định do vi khuẩn Salmonella và E.coli. (Ảnh minh họa)
Tại Việt Nam, vi khuẩn Salmonella được xác định là nguyên nhân nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn. Gần đây nhất, Sở Y tế Khánh Hòa ghi nhận 358 ca ngộ độc Salmonella sau khi ăn cơm gà Trâm Anh. Quảng Nam cũng từng ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm do Salmonella khiến 273 người nhập viện sau khi dùng đồ tại một cửa hàng bánh mì.
Theo Clevelandclinic, khuẩn Salmonella đi vào hệ tiêu hóa cơ thể. Sau khi chết sẽ giải phóng ra nội độc tố. Khuẩn Salmonella chết càng nhiều càng có nhiều độc tố giải phóng tấn công vào cơ thể người nhiễm. Nội độc tố này ảnh hưởng tại ruột, làm tổn thương niêm mạc ruột (kích thích ruột gây đau bụng, làm chảy máu hoặc thủng ruột). Nội độc tố do vi khuẩn Salmonella giải phóng có thể đi vào máu đến hệ thần kinh trung ương, làm tổn thương hệ thần kinh và nhiễm độc toàn thân.
Một số trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella không có triệu chứng. Hầu hết đều bị tiêu chảy, sốt, đau bụng trong vòng 8 đến 72 giờ sau khi tiếp xúc. Người khỏe mạnh có cơ hội hồi phục trong vòng vài ngày đến một tuần mà không cần điều trị cụ thể. Một số trường hợp, nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ.
Sự nguy hiểm của khuẩn E.coli
Theo Mayoclinic, khuẩn Escherichia coli (E.coli) thường sống trong ruột của người và động vật khỏe mạnh. Hầu hết các loại E.coli đều vô hại hoặc gây tiêu chảy thời gian ngắn. Chỉ một số chủng, chẳng hạn như E.coli O157:H7 có thể gây đau bụng dữ dội, tiêu chảy ra máu và nôn.
Dấu hiệu nhiễm khuẩn E.coli O157:H7 thường bắt đầu 3-4 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Người bệnh có các triệu chứng như tiêu chảy (có thể từ nhẹ, chảy nước đến nặng và có máu), đau bụng, buồn nôn và nôn. Nhiễm E.coli O157:H7, người khỏe mạnh thường phục hồi trong vòng 1 tuần. Trong khi đó, trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh suy thận, đe dọa tính mạng cao hơn.
Có thể nói, so với E.coli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng và nguy hiểm hơn. Để đảm bảo sức khỏe, nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn, bạn nên đi khám khi có dấu hiệu tiêu chảy (tiêu chảy nặng, có máu trong phân, kéo dài hơn 2 ngày), sốt cao kèm tiêu chảy, mất nước, đau bụng dữ dội, có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu, có các triệu chứng của hội chứng tan máu tăng ure máu,...
>>> Mời độc giả xem thêm video: Hướng dẫn xử trí ngộ độc thực phẩm tại nhà

Nguồn video: Vinmec

Theo Đời sống
back to top