Bé gái nguy kịch do nhiễm vi khuẩn não mô cầu

Bệnh nhi được chẩn đoán ban đầu sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết nghĩ do não mô cầu. 

2 ngày sốt cao trẻ đã nguy kịch

Bé gái H.N.K. 5 tuổi, địa chỉ Tây Ninh, tiêm chủng không đầy đủ, chưa từng tiêm ngừa não mô cầu. Bệnh chỉ 2 ngày với sốt cao liên tục, em phát ban đỏ toàn thân. Em nhập khoa cấp cứu Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố với tình trạng tím tái, mạch đập nhanh nhẹ, hạ huyết áp, chấm xuất huyết, tử ban rải rác toàn thân.

Chẩn đoán ban đầu: Sốc nhiễm trùng – Nhiễm trùng huyết nghĩ do Não mô cầu. Em được đặt ống nội khí quản trợ thở và thở máy, sử dụng thuốc hỗ trợ tim mạch duy trì huyết áp, sử dụng nhiều loại kháng sinh trị nhiễm trùng, bảo vệ tuần hoàn, cải thiện chức năng gan thận..

Kết quả PCR máu, dịch não tủy ngày (01/04) trên mẫu bệnh phẩm lúc nặng nhất phát hiện tác nhân gây bệnh là Não mô cầu (Neisseria meningitidis), có khả năng gây ra bệnh cảnh viêm màng não, nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng.

Trẻ nôn ban đỏ nguy kịch do viêm não mô cầu - Ảnh BVCC

Trẻ nôn ban đỏ nguy kịch do viêm não mô cầu - Ảnh BVCC

Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, bé đáp ứng tốt với điều trị, ngưng thuốc hỗ trợ tuần hoàn, tập tự thở tốt, cai máy thở sau 5 ngày điều trị. Hiện tại sức khỏe em hồi phục tốt, qua cơn nguy kịch, đang ổn định dần tình trạng sức khỏe.

Qua trường hợp này, cảnh báo quý phụ huynh nên tuân thủ cho các bé tiêm chủng đầy đủ, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), viêm màng não do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Ngày nay, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15%.

Bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như viêm màng não tuỷ cấp có mủ, nhiễm vi khuẩn huyết do não mô cầu (meningococcemia), viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu. Ngoài ra, có nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có sốt và/hoặc viêm mũi họng.

Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, số người bị nhiễm não mô cầu ở hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm từ 5%-10%. Thể nhiễm khuẩn không có triệu chứng thường hay gặp trong các vụ dịch và đó là nguồn lây truyền dịch rất quan trọng trong cộng đồng.

50% số người khoẻ mang vi khuẩn não mô cầu

Bệnh viêm màng não do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Bệnh thường tản phát và có thể gây dịch. Tỷ lệ mắc bệnh cao do vi khuẩn não mô cầu nhóm A tồn tại lâu dài ở vùng bán sa mạc Sahara ở miền trung Châu Phi. Mới đây, bệnh dịch não mô cầu nhóm A đã xảy ra ở Nepal, Ấn Độ và một số nước khác ở Châu Á.

Việt Nam có bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi. Vi khuẩn đã được phân lập trong các vụ dịch ở huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai; huyện Tuần Giáo tỉnh Lai Châu; huyện Quản Bạ, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang; huyện Hiệp Hoà tỉnh Bắc Giang; huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên và huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh.

Bệnh thường tản phát lẫn trong hội chứng viêm màng não mủ và đã xảy ra dịch ở nhiều nơi, nghiêm trọng nhất là ở miền núi. Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tỷ lệ mắc bệnh từ 1991-2000 ở Việt Nam là 2,3/ 100.000 dân và là bệnh xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết cao nhất (0,03/100.000 dân).

Bệnh viêm màng não do não mô cầu xuất hiện tản phát trong suốt năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam có thể xảy ra dịch vào thời tiết mùa thu, đông và xuân, nhất là ở các xã vùng núi biên giới. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Bởi vậy, nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang trùng. Trong vụ dịch, có thể có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và có tới trên 50% số người khoẻ mang vi khuẩn não mô cầu. Đó là những nguồn lây rất quan trọng của bệnh trong cộng đồng.

- Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường từ 3- 4 ngày. Vi khuẩn thường chỉ gây viêm niêm mạc hầu họng. Trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào máu và màng não tuỷ gây bệnh điển hình thì ít xảy ra hơn.

Biểu hiện của bệnh gồm:

+ Sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, cổ cứng, có thể có đốm xuất huyết.

+ Bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.

+ Nước não tuỷ đục.

Biện pháp dự phòng bệnh:

- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ: Cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh viêm màng não do não mô cầu cho nhân dân, nhất là nơi có bệnh lưu hành, để nhân dân biết phát hiện bệnh sớm, cách ly và cộng tác với ngành y tế thực hiện phòng chống dịch trong cộng đồng

- Vệ sinh phòng bệnh.

+ Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

+ Tại nơi có ổ dịch cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.

+ Hiện nay đã có vắc xin polysaccharide của nhóm A, C, Y, W135 phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Đây là vắc xin an toàn và miễn dịch cao nhưng rất đắt. Cầu khuẩn nhóm A là tác nhân gây bệnh thường gặp nhưng chưa có vắc xin.

Bởi vậy, trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, nên áp dụng biện pháp giám sát dịch tễ học một cách nghiêm ngặt bệnh viêm màng não do não mô cầu để chỉ định dùng hoá dược dự phòng khi cần thiết.

Theo Đời sống
Khởi tố 3 đối tượng lừa bán vé xe trên mạng

Khởi tố 3 đối tượng lừa bán vé xe trên mạng

Công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 đối tượng, gồm: P.V.V (SN: 2003), P.V.Q (SN: 2004) và P.N.B (SN: 2006, cùng trú tại Nam Định) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
back to top