Viêm họng mãn tính có tiến triển thành ung thư?

Bệnh viêm họng mãn tính kéo dài và mang tính chất lặp đi lặp lại có thể trở nặng và gây ra các biến chứng và làm tăng nguy cơ chuyển thành ung thư. Cách phòng ngừa tái phát ra sao?

Nhiều nguyên nhân gây bệnh

Viêm họng mạn tính là tình trạng viêm ở họng có thời gian kéo dài trên một tuần. Bệnh viêm họng trở thành mạn tính là hậu quả của quá trình viêm họng cấp tính lặp lại nhiều lần hoặc không đáp ứng với các thuốc điều trị. Bệnh biểu hiện dưới 4 hình thức là sung huyết đơn thuần, xuất tiết, quá phát và teo.

Thể điển hình của viêm họng mạn tính là viêm VA mạn tính và viêm amidan mạn tính. Ngoài ra, bệnh còn gây ra bởi một số nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn, nhiễm virus; khói bụi và các chất ô nhiễm không khí; viêm xoang mãn tính; trào ngược dạ dày - thực quản.

Triệu chứng bệnh viêm họng mãn tính kéo dài và mang tính chất lặp đi lặp lại. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm:

- Đau họng: Đau kéo dài nhiều tuần, kèm theo nóng rát, ngứa, cảm giác khô khan, vướng ở họng. Triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng, có thể có nhiều đờm ở cổ họng.

- Khó nuốt, lúc nuốt qua cổ họng cảm thấy đau

- Ho: Ho kéo dài nhiều tuần, khạc đàm dai dẳng

- Giọng nói chuyển khàn, hoặc mất giọng

Nóng rát sau xương ức ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày - thực quản.

Vì viêm họng đã chuyển sang mạn tính nên các triệu chứng toàn thân như sốt > 38 độ C, mệt mỏi, đau đầu thường không xuất hiện nữa. Những triệu chứng này mất đi làm bệnh nhân chủ quan rằng bệnh đã đỡ mà không biết rằng đã chuyển thành mạn tính.

Viêm họng mãn tính có tiến triển thành ung thư? - Ảnh minh hoạ

Viêm họng mãn tính có tiến triển thành ung thư? - Ảnh minh hoạ

Có tiến triển thành ung thư?

Người bệnh chủ quan tạo điều kiện cho bệnh trở nặng và gây ra các biến chứng. Nếu bệnh cảnh quá nặng, điều trị không khỏi sẽ làm tăng nguy cơ chuyển thành ung thư.

Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào cơ địa và hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Bệnh còn làm hình thành tổ chức hạt, nhiều tổ chức lympho gây ra hội chứng áp xe, viêm tấy xung quanh vòm họng.

Đối với những bệnh nhân mắc hội chứng viêm mũi, viêm xoang, trào ngược dạ dày bệnh chuyển nặng có thể dẫn tới viêm phổi, viêm phế quản cấp. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây tổn thương tế bào, làm chúng tăng sinh mất kiểm soát gây ra ung thư.

Để viêm họng không tái phát lại, người bệnh cần được điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt là tuân theo chỉ định và lời khuyên của bác sĩ. Ngoài sử dụng thuốc đầy đủ hàng ngày, bệnh nhân còn cần tuân thủ một số lời khuyên sau:

- Giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng và súc miệng sau khi ăn

- Không hút thuốc, kiêng rượu

- Tránh ăn các thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng.

- Luôn giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng cổ vào mùa đông

- Tập hít thở sâu

- Súc miệng họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày

- Khám định kì bác sĩ chuyên khoa đều đặn

Viêm họng mạn tính thường khó dứt điểm, nên khám định kì tìm nguyên nhân, điều trị từ nguyên nhân và triệu chứng. Ngoài ra cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể, xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống giàu rau xanh, hoa quả, vitamin C, vitamin A và giữ gìn môi trường sống sạch sẽ tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Theo Đời sống
back to top