Thực hiện điều trị vi sóng cho BN tại BV 19.8
Lần đầu được áp dụng tại miền Bắc
Ông Trần Quang H. 59 tuổi (Hải Dương) có tiền sử viêm gan B, biểu hiện đau hạ sườn phải và sụt 3kg. Đi khám phát hiện gan nhỏ, lách to, siêu âm phát hiện 2 khối u gan phải, kích thước 3,5mm, trên nền gan xơ, teo gần hoàn toàn thùy gan trái, không còn khả năng phẫu thuật, tiên lượng rất xấu, dự kiến thời gian sống thêm chỉ 3-5 tháng. Tại BV 19.8, ông được chỉ định đốt u bằng phương pháp vi sóng. Sau 2 lần đốt, khối u của ông gần như biến mất. Hiện sau 2 năm ông vẫn sống khỏe.
TS Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc BV 19.8 cho biết, BV là đơn vị đầu tiên tại miền Bắc đưa phương pháp mới này vào áp dụng và cứu sống được nhiều BN. UTBMTBG thường được gọi tắt là ung thư gan nguyên phát (UTGNP), ung thư tế bào gan. Đây là loại ung thư thường gặp đứng hàng thứ 5 về tỷ lệ mắc và là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư dạ dày. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 12.000 ca mới mắc. Nguyên nhân của bệnh có liên quan rõ rệt với virus viêm gan B, viêm gan C, sán lá, vai trò của aflatoxin, mycotoxin và rượu. Hơn nữa, bên cạnh UTGNP, ung thư di căn gan thường gặp ở BN ung thư: đại trực tràng, tụy, dạ dày…
Cho đến nay, phẫu thuật cắt gan và ghép gan vẫn được coi là phương pháp điều trị tốt nhất. Tuy vậy, phần lớn BN UTGNP thường được phát hiện muộn: xơ gan, u đa ổ, tổng trạng kém, chức năng gan suy giảm… Đặc biệt, UTGNP thường kém nhậy cảm với hóa chất, xạ trị. Do vậy, tiên lượng sống thêm của bệnh này rất thấp. Thông thường với BN UTGNP, thời gian sống thêm trung bình từ thời điểm chẩn đoán chỉ kéo dài được 3- 6 tháng.
Diệt u, bảo vệ tế bào gan lành
TS Trần Quốc Hùng cho biết, ngày nay các phương pháp phá hủy khối u tại chỗ cũng được xem là phương pháp điều trị triệt để đối với các khối u kích thước nhỏ. Trước đây tiêm cồn hay tiêm acetic acid vào khối u là phổ biến nhưng hiện nay các phương pháp phá hủy khối u bằng sóng radio (RFA), vi sóng (MWA) đã trở nên phổ biến trên thế giới.
MWA được áp dụng cho các BN chẩn đoán xác định UTBMTBG có 1 u kích thước ≤ 6cm hay 3 u, mỗi u dưới ≤ 3 cm. Loại trừ các BN có khối u đã xâm nhập mạch máu (tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan, tĩnh mạch chủ dưới) hay đường mật trong gan; U di căn ngoài gan (hạch, phổi, tuyến thượng thận, xương…); U xâm lấn các cơ quan cạnh gan, bị rối loạn đông máu, đang có bệnh nhiễm trùng, đang có thai…Thay vì phẫu thuật mở bụng để cắt bỏ khối u với thời gian nằm viện kéo dài, điều trị UTBMTBG bằng MWA là phương pháp nhẹ nhàng. BN không phải gây mê chỉ cần gây tê. Dưới sự hướng dẫn của siêu âm các bác sĩ sẽ chọn anten theo kích thước khối u và đưa xuyên da vào vị trí khối u và phá hủy dần từng phần cho tới hết.
50 BN với 56 khối u, BN nhiều nhất có 3 khối u, đa số BN đến muộn nên kích thước trung bình khối u lớn 3,39 cm đã được điều trị tại BV 19.8. Kết quả, khối u bị phá hủy hoàn toàn sau lần 1 là 78%, lần 2 là 86%. Thời gian sống thêm là 20,9 tháng, ước tính đến 22 tháng tỷ lệ tử vong là 25%. Không ghi nhận các biến chứng như tràn dịch màng phổi, bỏng da vùng đưa điện cực vào…
TS Trần Quốc Hùng tư vấn, những người có nguy cơ cao mắc bệnh UTGNP cần định kỳ thăm khám 3-6 tháng/lần tại các cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện sớm và điều trị sẽ hiệu quả hơn, đặc biệt với BN viêm gan virus B và C có độ tuổi ngoài 40 tuổi. Khi UTGNP đã có triệu chứng lâm sàng như đau tức hạ sườn phải, đầy bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, sút cân… thì bệnh đã ở giai đoạn muộn và điều trị sẽ khó khăn, chi phí tăng cao và hiệu quả điều trị thấp.
Thúy Nga