Theo chuyên gia sức khoẻ, gan là một cơ quan nội tạng lớn, chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể ở người lớn và khoảng 5% trọng lượng cơ thể ở trẻ em. Gan có chức năng tổng hợp các chất có trong khẩu phần ăn (đường, protein, chất béo…) và đào thải độc tố.
Cơ quan này còn có chức năng miễn dịch góp phần sản xuất, chuyển hóa và ổn định cholesterol; chức năng dự trữ; giải độc, hấp thu và chuyển hóa chất dinh dưỡng. Khi phospholipid trong màng tế bào gan ổn định, gan có thể thực hiện tốt chức năng của mình.
Trên thực tế, chất béo luôn hiện diện trong gan nhưng chỉ chiếm chưa đến 5% trọng lượng của gan. Khi lượng chất béo đưa vào và dự trữ trong cơ thể lớn hơn 5% sẽ xảy ra hiện tượng gan nhiễm mỡ.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Bệnh gan nhiễm mỡ hiện đang trở thành vấn đề sức khỏe đáng báo động, bệnh không chỉ gặp ở những người trưởng thành, người mắc một số bệnh mạn tính mà trẻ em cũng có thể bị bệnh.
Nghiêm trọng hơn, trong giai đoạn đầu, người bị gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng, những biểu hiện đầu tiên thường chỉ thấy bụng khó chịu. Khi lượng mỡ trong gan quá nhiều sẽ có các triệu chứng chán ăn, sụt cân, mệt mỏi nhiều, vàng da. Nếu tình trạng gan nhiễm mỡ kéo dài và không được điều trị, lâu dài có thể ra các biến chứng và rối loạn chức năng gan: xơ gan, suy gan, xuất huyết tiêu hóa, xơ gan cổ chướng,… thậm chí là ung thư gan.
Nguyên nhân khiến người gầy bị gan nhiễm mỡ
Dù không bị thừa cân, người gầy vẫn có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo xấu, đường tinh luyện nhưng ít chất xơ và vitamin có thể khiến gan tích tụ mỡ.
Thiếu dinh dưỡng: Việc ăn uống không đầy đủ dưỡng chất khiến gan rối loạn chuyển hóa, dẫn đến việc tích tụ mỡ dù không tiêu thụ nhiều calo.
Thói quen uống rượu bia: Ngay cả khi có thân hình gầy, việc tiêu thụ rượu bia thường xuyên vẫn có thể gây gan nhiễm mỡ do rượu ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo của gan.
Ít vận động: Người gầy nhưng ít vận động có thể bị giảm hiệu suất đốt cháy chất béo, dẫn đến tích tụ mỡ trong gan.
Căng thẳng, mất ngủ kéo dài: Stress và rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Di truyền và rối loạn chuyển hóa: Một số người có cơ địa dễ bị rối loạn chuyển hóa chất béo, ngay cả khi không bị thừa cân.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Phòng ngừa gan nhiễm mỡ ở người gầy
Để bảo vệ gan và ngăn ngừa gan nhiễm mỡ, người gầy cần chú ý đến những thói quen sinh hoạt sau:
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa, đường tinh luyện, tăng cường rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu omega-3.
Tập thể dục thường xuyên: Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện chức năng gan và đốt cháy lượng mỡ dư thừa.
Kiểm soát căng thẳng: Ngủ đủ giấc, thư giãn tinh thần để tránh ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất.
Hạn chế rượu bia: Nếu có thể, hãy giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn rượu bia để bảo vệ gan.
Thăm khám sức khỏe định kỳ: Kiểm tra chức năng gan thường xuyên để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.
Gan nhiễm mỡ không chỉ xuất hiện ở người thừa cân mà ngay cả người gầy cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu không có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Việc duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát dinh dưỡng và vận động hợp lý là chìa khóa quan trọng để bảo vệ lá gan khỏe mạnh. Nếu bạn có dấu hiệu bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.