Vì sao đã có thuốc giải nhưng không dùng được cho người ngộ độc botulinum?

Sau khi thông tin thuốc giải đã được WHO tài trợ về đến Việt Nam nhưng 1 bệnh nhân đã tử vong, nhiều người thắc mắc sao không dùng thuốc giải để cứu? Sự thực tại sao có thuốc giải nhưng bệnh nhân đang điều trị lại không được dùng?

Thuốc giải độc chỉ có tác dụng trong 48-72 giờ

Như KH&ĐS đã thông tin, ngày 24/5, 6 lọ thuốc giải độc tố botulinum cho người bệnh từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã về đến TP HCM. Sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận 2 lọ, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận 3 lọ và Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ. Tuy nhiên, bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong khi chưa dùng thuốc.

Để có thuốc khẩn cấp điều trị ngộ độc botulinum, chiều 23/5 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có buổi làm việc trực tiếp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Hà Nội, và ngay sau đó WHO quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) cho các bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM.

Trước đó, KH&ĐS cũng đã thông tin 2 gia đình 6 người bị ngộ độc botulinum, trong đó có gia đình 3 người lớn không có thuốc giải độc vì cả nước đã hết loại thuốc này. Sáng 25/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định thông báo, nam bệnh nhân 45 tuổi ngụ TP.Thủ Đức (TP.HCM) được chẩn đoán ngộ độc botulinum đã tử vong sau 10 ngày điều trị.

Trước thông tin đó, nhiều người dân thắc mắc tại sao không dùng ngay thuốc giải độc để cứu bệnh nhân. Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia cho biết, 6 lọ thuốc giải độc botulinum (BAT) vừa được chuyển từ Thụy Sĩ về các bệnh viện chỉ còn tác dụng dự phòng cho các trường hợp ngộ độc tiếp theo (nếu có). Riêng hai bệnh nhân trong số 3 bệnh nhân trên đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy đều qua "thời gian vàng" sử dụng thuốc giải độc.

Cụ thể, hai trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy là anh em ruột làm nghề vá xe lưu động (tuổi 18 - 26, quê Hậu Giang). Hai người này được xác định ăn bánh mì kẹp chả lụa vào ngày 13/5 và đến ngày 14/5 có các dấu hiệu ngộ độc khi rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy…

Các bệnh nhân được chính thức chuyển vào bệnh viện cấp cứu ngày 15/5 với tình trạng yếu cơ, khó nuốt, nhìn đôi… Xét nghiệm và hội chẩn liên viện sau đó xác định các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum.

Như vậy, kể từ lúc các bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc botulinum đến khi 6 lọ giải độc botulinum về đến Bệnh viện Chợ Rẫy là 10 ngày, quá muộn so với "thời gian vàng" sử dụng thuốc giải độc đặc hiệu.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy

Bệnh nhân ngộ độc botulinum đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy

Cụ thể, các chuyên gia chống độc cho biết với bệnh nhân ngộ độc botulinum, thời gian 48-72 giờ là "thời gian vàng" sử dụng thuốc BAT giúp bệnh nhân có khả năng thoát khỏi nguy cơ bị liệt hoặc thở máy.

Trong khoảng thời gian này, nếu bệnh nhân thở máy sẽ mất khoảng 5-7 ngày phục hồi sau khi dùng thuốc giải độc.

Trong trường hợp không có thuốc BAT, các chuyên gia cho biết chỉ còn cách điều trị hỗ trợ, chủ yếu sử dụng các biện pháp nuôi dưỡng và cho thở máy.

Tuy vậy đây là phương án bất đắc dĩ, bởi bệnh nhân đối diện với nhiều biến chứng và nguy cơ diễn biến nặng rất cao.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy từng nhấn mạnh, thuốc giải là phương án tốt nhất nhưng phải dùng đúng thời điểm, sử dụng khi bắt đầu có triệu chứng yếu liệt, giúp trung hòa chất độc trong máu.

Trong trường hợp không có thuốc giải, độc tố tiếp tục tấn công bệnh nhân. Botulinum đi vào hệ thống thần kinh khiến dẫn truyền không còn, các cơ không điều khiển được và gây liệt. Khi liệt cơ hô hấp, bệnh nhân sẽ suy hô hấp, tử vong nếu không được điều trị hỗ trợ.

"Trong tình huống có thuốc giải độc, hiệu quả còn phụ thuộc vào lượng độc chất mà bệnh nhân ăn phải và việc sử dụng thuốc giải có kịp thời, đúng lúc hay không?", TS.BS Hùng nhấn mạnh.

Việc có được 6 lọ thuốc botulinum giải độc trong bối cảnh này rất quý giá, tuy vậy đã không kịp sử dụng cứu sống các bệnh nhân ngộ độc. Vì thế các chuyên gia ngành y tế cho rằng cần lập kho thuốc hiếm quốc gia để điều phối sử dụng khi cần thiết, tránh sự việc thương tâm đáng tiếc xảy ra.

Khó hồi phục và di chứng lâu dài

Các chuyên gia cho biết, vi khuẩn C.Botulinum có ái tính với hệ thống thần kinh. Cơ thể bị bệnh do ăn phải độc tố có trong thực phẩm và cả độc tố mới tiết ra đường tiêu hoá và các mô do vi khuẩn xâm nhập vào ở dạ dày, ruột, độc tố không bị acid của dịch vị tiêu huỷ, độc tố ngấm nhanh vào máu và phân tán ra toàn cơ thể vào các tế bào của các mô khác nhau.

Trước hết vào các mô của hệ thần kinh trung ương, gắn kết vào các đầu mút thần kinh, rồi gây ra những biểu hiện lâm sàng phát sinh từ hành tuỷ, nôn, buồn nôn. Độc tố còn ngấm nhanh vào máu qua lớp màng nhầy của đường hô hấp.

Thời gian ủ bệnh từ 8-10 giờ, có trường hợp 4 giờ.

Triệu chứng: vì độc tố vi khuẩn có ái tính với hệ thống thần kinh nên bệnh nhân ngộ độc thì biểu hiện chủ yếu là triệu chứng thần kinh ngoại biên.

- Nôn, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô.

- Đau bụng, bụng chướng, táo bón, thường ít ỉa chảy.

- Không sốt hoặc sốt nhẹ, không rối loạn ý thức.

- Sau đó xuất hiện triệu chứng thần kinh điển hình:

+ Liệt cơ mắt: giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng, liệt cơ tim, liệt điều tiết (viễn thị), liệt cơ vận động nhãn cầu (lác mắt), nhìn đôi.

+ Liệt màn hầu, co thắt họng: nghẹn, sặc đường mũi, doãi cơ hàm, nhai nuốt khó khăn.

+ Liệt cơ thanh quản: nói khàn, giọng mũi, nói nhỏ, nói không thành tiếng. Các triệu chứng liệt có đặc điểm thường liệt cả hai bên đối xứng.

-Triệu chứng tiêu hoá vẫn tiếp tục theo chiều hướng: táo bón, giảm tiết dịch tiêu hoá, khô miệng, khô họng.

Diễn biến: bệnh kéo dài từ 4-8 ngày. Trường hợp nặng thì trung khu thần kinh tuần hoàn và hô hấp bị liệt (khó thở, thở nhanh, nông) cuối cùng thì chết do ngạt.

Ngộ độc do Clostridium botulinum rất hiếm nhưng được biết nhiều vì tiên lượng nặng, tỉ lệ tử vong cao. Bệnh hồi phục tương đối chậm, thường để lại di chứng tương đối dài.

Nếu không được điều trị sẽ chết sau 3 – 4 ngày. Ngày nay với các phương pháp điều trị tích cực, nhanh chóng, tỷ lệ tử vong còn khoảng 10%.

Diễn biến vụ 6 người ngộ độc botulinum

Vụ ngộ độc botulinum do ăn chả lụa và mắm xảy ra ở TP Thủ Đức bắt đầu từ ngày 13/5. Trong đó có 3 trẻ em và 3 người lớn, lần lượt chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (2 người), Nhân dân Gia Định (1 người) và Nhi đồng 2 (3 người).

Đến nay, sau 12 ngày điều trị, có 1 người tử vong sáng 25/5, 2 người đang điều trị hỗ trợ. Còn 3 trẻ em được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 may mắn được cho sử dụng 2 lọ botulinum cuối cùng của Việt Nam, nay sức cơ có cải thiện, nhưng vẫn còn thở máy.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top