Vị vua nữ duy nhất trong lịch sử
Đền Rồng mới được xây dựng lại năm 2009, đôi voi đá trước đền hãy còn mới. Chỉ có 2 cây nhội và cây duối hơn 300 tuổi đã được công nhận là cây di sản, vẫn tỏa bóng mát sum suê là còn gợi nhớ về một thời đã xa.
Ngay cả mấy người trông coi đền cũng không biết nhiều về lịch sử ngôi đền, ngoài những điều đã được in ra giấy. Đến lúc tưởng đã thất vọng rồi, thì may mắn làm sao tôi lại được một ông trong ban quản lý di tích mách đến tìm ông Nguyễn Đức Thìn bên Đền Đô. Và đúng là không uổng công đi tìm, tôi đã được ông kể cho nghe những câu chuyện thật hay về Đền Rồng.
Đền Rồng cách Hà Nội chỉ chừng 15km về phía Bắc, thuộc phường Đình Bảng, thị trấn Từ Sơn (Bắc Ninh). Nơi đây thờ vị vua nữ duy nhất của Việt Nam là Lý Chiêu Hoàng. Ai đã từng được nghe câu chuyện về cuộc đời bà, đều không khỏi cảm thông với số phận một người phụ nữ quá nhiều bi thương.
Có lẽ trong lịch sử Việt Nam, không có người phụ nữ nào trải qua nhiều sóng gió như Lý Chiêu Hoàng. Bà tên là Lý Phật Kim, công chúa thứ hai của vua Lý Huệ Tông, vị vua thứ 8 của nhà Lý, với tước hiệu Chiêu Thánh công chúa và sau là Hoàng Thái nữ. Được vua cha nhường ngôi, bà trở thành vị vua nữ Lý Chiêu Hoàng.
Ở ngôi chưa được 2 năm, bà nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) trở thành Hoàng hậu Lý Thiên Hinh. Sau vì không có con, vua Trần Thái Tông bị ép phải lập chị bà là Thuận Thiên làm hoàng hậu, bà bị phế xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Khi ngoài 40 tuổi, bà được gả cho tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần) và có với ông 2 người con. Bà mất ở tuổi 61, được an táng tại khu rừng báng, phía tây thọ lăng Thiên Đức, gần lăng tiên đế. Nhân dân lập đền thờ bà ở Long miếu.
Đền Rồng được khởi dựng từ cuối thế kỷ XIII, thuộc hương Cổ Pháp xưa, nay là phường Đình Bảng. Đền nằm trong cụm di tích khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý, ở phía Tây hương Cổ Pháp. Theo ông Nguyễn Đức Thìn, có ý kiến cho rằng Lý Chiêu Hoàng không được thờ ở Đền Đô, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý vì bà là người có tội đã nhường ngôi cho chồng, làm mất nhà Lý vào tay nhà Trần.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra giả thuyết, có lẽ bà ở ngôi 2 năm, khi mới 7-8 tuổi nên không có thực quyền. Và triều Lý từ Lý Thái Tổ lên ngôi đến hết đời Lý Huệ Tông là 214 năm ứng với 214 chữ trong chiếu dời đô chứ không phải 216 năm tính đến đời Lý Chiêu Hoàng.
Hơn nữa, khu đất Lý Thái Tổ chọn để xây Đền Đô được Thiền sư Vạn Hạnh cho là thế Liên hoa bát diệp (bông hoa sen có 8 cánh), với 8 con rồng gối đầu nên chỉ ứng với 8 vị vua triều Lý.
Nơi thờ số phận một con người
Đền Rồng còn có tên gọi là Long miếu điện và Lưu Ly điện. Ông Thìn giải thích, đền, điện là nơi thờ người có công, miếu là nơi thờ số phận một con người. Đền Rồng vừa thờ một người có công vừa thờ số phận một con người, một số phận long đong, vất vả. Còn Lưu Ly điện là điện thờ một người phụ nữ Đại Việt yêu nước thương dân, có tâm đẹp như viên ngọc.
Đền Rồng trước đây rộng hàng hecta và trong lòng dân đền cũng thiêng liêng như khu Đền Đô. Chỉ có điều khác là từ xưa, lễ hội Đền Rồng vào ngày 23/9 âm lịch, kỷ niệm ngày mất của đức Vua Bà. Còn bên Đền Đô là lễ hội vào tháng 3, ngày lên ngôi của Lý Thái Tổ.
Thời Pháp thuộc, nghĩa quân chống Pháp thường ẩn nấp trong rừng báng và vào ở cả trong Đền Rồng. Năm 1910, một chủ đồn điền người Pháp muốn mượn cớ khai thác rừng báng để diệt nghĩa quân.
Lúc đó có cụ Lê Tiến Hường, người làng Đình Bảng, làm tới chức Hồng Lô Tự thiếu khanh, xin cho dân tự khai phá rừng báng. Cụ Hường còn làm cuộc cách mạng văn hóa cho làng Đình Bảng.
Thời đó trong làng có rất nhiều ao hồ đẹp, nhưng dân lại làm nhà tiêu ngay trên đó nên rất mất vệ sinh. Cụ đã cho triệt hết nhà tiêu để cho ao hồ trong lành. Và cụ cho dựng ở đầu mỗi ngõ một cây đèn dầu bịt kính, mưa bão cũng không tắt, thắp từ 6h tối đến 5h sáng, góp phần giữ an bình cho làng quê.
Đến năm 1919 thực dân Pháp cho phá hủy hoàn toàn Đền Rồng vì lý do đây là nơi ẩn náu của du kích. Năm 1921, cụ Hường quyết định cho xây dựng lại Đền Rồng chính trên nền đất cũ, nhưng quy mô không được như xưa. Hơn nữa kiến trúc lại bị cách tân rất nhiều, ví dụ như nền lại cho lát đá hoa.
Đến năm 1989, khi xây dựng lại Đền Đô, Ban Quản lý đã có ý thức xây dựng lại chùa Dận và tôn tạo Đền Rồng nhưng không có kinh phí. Mãi đến năm 2009, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đền Rồng mới được xây dựng lại.
Ông Thìn nhớ lại, khi đó phải nhờ các cụ cao niên trong làng tả lại dáng hình của ngôi đền trước kia để các kiến trúc sư vẽ. Rồi khi phá toàn bộ ngôi đền xây năm 1921, dư luận cũng phản đối rất ghê vì cho rằng phá đi ngôi đền cổ nghìn năm. Nhưng là người nghiên cứu lịch sử địa phương, ông vừa giải thích vừa bảo vệ quan điểm của mình, cuối cùng mới được ngôi Đền Rồng như ngày hôm nay.
Trong khu lăng mộ của Lý Chiêu Hoàng gần Đền Rồng có trồng nhiều loại hoa, đặc biệt có hoa thì là. Ngắm hoa thì là, ông chợt liên tưởng, nếu nghĩ bà có tội với nhà Lý thì là thế.
Nhưng nếu nhìn với con mắt lịch sử, vì đại cục của đất nước, vận mệnh nhà Lý đến lúc đó đã hết, bà nhường ngôi cho chồng, tạo cơ hội cho nhà Trần đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới…thì là người yêu nước, thương dân.
Tôi thấy ông thật tài tình khi gắn cỏ cây của ngày nay với người xưa như thế. Nó tạo nên một sự gắn bó, một nét văn hóa.
Người viết sử làng
Sinh ra và lớn lên ở đây, từ bé ông Nguyễn Đức Thìn đã là đội viên Đội thiếu niên du kích Đình Bảng nổi tiếng, có thời ông cùng bạn bè ngủ ngoài các lăng vua nên hơn ai hết ông hiểu từng gốc cây, hòn đất ở đây.
Sau này khi trở thành giáo viên, không chỉ dạy học sinh, ông còn ghi chép lịch sử của làng. Ông chịu khó đến gặp các cụ cao tuổi nghe kể chuyện gì thì ghi vào nhật ký. Ông còn thành lập tổ sử học để học sinh tìm hiểu chuyện làng quê mình từ các cụ cao niên.
Ông trở thành Anh hùng lao động (1985) và nhà giáo Nhân dân (1988) cũng chính trên mảnh đất này. Nay, ở tuổi 79, với vai trò một người viết sử địa phương, một hướng dẫn viên du lịch, ông lại tiếp tục truyền cho lớp trẻ, cho du khách niềm say mê với lịch sử của dân tộc. Với ông, không có cảm xúc thì không truyền cảm được lịch sử, bởi đấy là hồn quê, hồn nước, là tình người.
Chia tay Đền Rồng, chia tay người viết sử làng, chợt thấy, mảnh đất nơi này đã thấm đẫm những câu chuyện lịch sử. Thật có lỗi khi chúng ta sống với ngày hôm nay mà không biết về lịch sử của đất nước mình. May mắn là vẫn còn có những con người tâm huyết như AHLĐ – NGND Nguyễn Đức Thìn, người gìn giữ, tìm hiểu và truyền cho chúng ta những mạch ngầm ấy.