Trần Khắc Chung – những nghi vấn lịch sử

Trần Khắc Chung – những nghi vấn lịch sử xung quanh chuyện có hay không việc tư thông với Huyền Trân công chúa. Cuộc đời và sự nghiệp của ông nhiều chiến tích, nhiều công lao to lớn, song cũng nhiều bàn cãi.

Bia đá đời Trần ban quốc tính cho Đỗ Khắc Chung.

Nhiều công lao, được ban quốc tính

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Khắc Chung tên thật là Đỗ Khắc Chung (? – 1330), người Giáp Sơn, Hải Dương, cùng quê với mẹ của vua Trần Hiến Tông. Không thấy một sử liệu nào cho biết ông đã qua các kỳ thi tuyển để làm quan.

Chỉ biết trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, Trần Khắc Chung làm sứ giả, thương thuyết với Ô Mã Nhi và nhờ công lớn trong hai cuộc chiến tranh chống Mông – Nguyên lần thứ hai và thứ ba, tháng 4 năm 1289, ông được ban quốc tính họ Trần và được phong chức Đại Hành khiển.

Qua bốn đời vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Khắc Chung giữ nhiều chức vụ quan trọng…

Năm 1306, ông cùng Văn Túc vương Đạo Tái tán thành gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành. Năm 1307, khi Chế Mân qua đời, theo lệnh của Trần Anh Tông, Trần Khắc Chung vào Chiêm Thành cứu Huyền Trân đưa về Thăng Long. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì ông đã tư thông với công chúa trên đường về. Trần Khắc Chung còn bị cho là đã xúi giục vua Trần Minh Tông giết hại Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn.

Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Khắc Chung được biết đến với nhiều chiến tích, được đánh giá với nhiều công lao to lớn, song cũng nhiều bàn cãi, nhất là xung quanh chuyện có hay không việc tư thông với Huyền Trân công chúa trong vụ “thoát hiểm” từ Chiêm Thành về Thăng Long.

Câu chuyện ngoại tình lưu truyền mấy trăm năm

Câu chuyện ngoại tình của Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân đã lưu truyền mấy trăm năm, đã được nhiều báo và sách đề cập, nhưng các tình tiết đến nay vẫn còn rất nhiều nghi vấn. Thực hư câu chuyện tình này diễn ra như thế nào.

Trước đấy, nhân dịp vua Trần Nhân Tông sang vân du Chiêm Thành có hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành Chế Mân. Vua Chế Mân mới dùng hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới để cầu hôn. Tháng 6/1306, công chúa Huyền Trân được đưa sang Chiêm Thành cho thành thân với chế Mân.

Tuy nhiên vào tháng 5/1307, sau gần một năm Huyền Trân làm dâu Chiêm quốc, được tấn phong Hoàng hậu với mỹ hiệu Paramesvari thì  Chế Mân qua đời. Công chúa Huyền Trân trở thành góa bụa khi mới bước vào tuổi 20. Theo tập tục của người Chăm lúc bấy giờ thì “Vua chết, hậu phải chết theo”, nhưng do công chúa đang mang thai nên việc hỏa thiêu được phép lùi lại.

Chuyện công chúa chuẩn bị lên giàn hỏa thiêu truyền về Thăng Long khiến Trần Anh Tông xót xa, lo lắng không nguôi. Vua cho vời các triều thần đến bàn kế sách nhưng không ai đưa ra được chủ kiến hay để giải cứu công chúa. “Lúc này, võ tướng Trần Khắc Chung đứng giữa triều xin lĩnh trọng trách sẽ lên đường vào Nam viếng tang và tìm cách đưa công chúa hồi quốc. Ông chỉ xin mang theo 5.000 quân sĩ, lương thảo cùng một số chiến thuyền lớn để vượt biển”.

Trần Khắc Chung và Đặng Văn sang nói với triều đình Chiêm Thành rằng: “Nếu công chúa bị hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về rồi sẽ vào giàn thiêu”.

Người Chiêm Thành bèn làm theo. Nhưng khi ra đến bờ biển thì Trần Khắc Chung nhân cơ hội, dùng thuyền nhẹ cướp công chúa đem về. Trên đường về, Trần Khắc Chung tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô.

(còn nữa)

 TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top