Đền thờ Đỗ Khắc Chung tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
Công đầu giải cứu Huyền Trân công chúa
Chuyện Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông sợ Huyền Trân bị đưa lên giàn hỏa thiêu là có thật. Chuyện Thái thượng hoàng và vua cử thượng tướng Trần Khắc Chung đi giải cứu Huyền Trân là có thật. Nhưng sự việc không phải đơn giản như mấy dòng sao chép sơ sài của Đại Việt sử ký toàn thư.
Nhiệm vụ đặt ra cho vụ giải cứu này là bằng mọi giá cứu được Huyền Trân nhưng không làm tổn thương mối bang giao hai nước. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, buộc Thái thượng hoàng và vua phải “chọn mặt gửi vàng”.
Trần Khắc Chung là một sự lựa chọn thích hợp và sáng suốt nhất. Ông vừa có tài quân sự vừa có tài ngoại giao. Chính Toa Đô cũng đã phải kính nể tài ứng đối của Trần Khắc Chung.
Điều đó cho chúng ta phỏng đoán khả năng cuộc giải cứu đã được tiến hành bằng biện pháp ngoại giao và công đầu thuộc về tài thuyết phục của Trần Khắc Chung. Bởi thế mà sau khi ông mất, triều đình ban tặng ông chức Thiếu sư (chức danh xếp hàng thứ hai thời bấy giờ).
Tuy nhiên, các sử thần lại có những đánh giá khác, Trần Khắc Chung là người giả dối, giỏi nguỵ biện, bề ngoài tỏ ra hết lòng chăm lo việc nước, trung thành với vua nhưng bên trong thì xu nịnh, vô trách nhiệm, cậy thế vua tin dùng mà coi thường kỷ cương phép nước, nhiều thói hư tật xấu đáng trách… Khắc Chung cố làm ra vẻ khác đời để cầu tiếng khen…
Bấy giờ Khắc Chung chức Thiếu bảo, Nhữ Hài là Hành khiển. Nhữ Hài đã bị vua phạt oan để lấy lòng Khắc Chung, thực tế Nhữ Hài không thể có phản ứng nào khác vì uy thế cuả Khắc Chung quá lớn. Sự nể nang của vua càng khiến Khắc Chung lộng hành.
Có hay không chuyện Trần Khắc Chung tư thông với Huyền Trân?
Cho đến giờ vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Rất nhiều người, có lẽ do tinh thần dân tộc quá cao đã phủ nhận những cứ liệu trong các bộ sử của những sử thần có uy tín, cho rằng không có chuyện tư thông giữa Huyền Trân công chúa và Trần Khắc Chung, nhưng lý luận của họ không vững.
Chúng ta biết Khắc Chung xấp xỉ tuổi cuả Thượng hoàng Nhân Tông, lúc này khoảng 48-50, đối với Huyền Trân như cha con, nhưng Khắc Chung không phải là người đạo cao đức dày, biết trọng lễ nghĩa.
Tài ăn nói của Khắc Chung đến vua cũng phải xiêu lòng, dung mạo chắc cũng đẹp đẽ, lại là ân nhân cứu mạng Huyền Trân trong cơn nguy khốn, tất cả những yếu tố trên dẫn đến việc hai người tư thông với nhau là điều dễ hiểu…
Cái chết cuả vua Chiêm và việc làm ô nhục giữa Trần Khắc Chung và Huyền Trân đã vượt ra ngoài suy nghĩ của Thượng hoàng Nhân Tông. Quá đau buồn, ngài đã chuẩn bị sẵn sự ra đi của mình. Mồng 3/11 năm Mậu Thân (1308) Thượng hoàng Nhân Tông mất ở núi Yên Tử hưởng thọ 51 tuổi, bên cạnh ngài chỉ có thị giả Pháp Loa.
Chân dung Trần Khắc Chung đã được Ngô Thì Sỹ khắc hoạ bằng những lời tóm lược sau: “Khắc Chung đã vô lễ làm nhục bà Huyền Trân, mưu đồ giết Quốc Chẩn vô tội, cười đùa với thiên tai không lòng kính trời; đại hạn mà đổ lỗi cho Long vương, khinh khi cả quỉ thần; chỉ việc xiểm nịnh luồn cúi, mà các vua đời bấy giờ không biết là kẻ gian tà.”
Luật nhân quả không loại trừ một ai, Khắc Chung đã lãnh một cái chết không toàn thây. Tháng 7 năm Canh Ngọ (1330) Khắc Chung chết, được tặng chức Thiếu sư, nhưng khi đem về chôn ở Giáp Sơn thì bị gia nô của Thiệu Võ (con của Quốc Chẩn) băm xác.
Nguyễn Thành Hữu