Vay 1 trả 10
Mới đây, ngày 22/3, Cơ quan CSĐT Công an Tân Phú (TPHCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Bỉnh Tuân (27 tuổi) và Nguyễn Bá Điệp (23 tuổi) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Cụ thể, khoảng tháng 5/2020, Tuân từ Hà Nội vào TPHCM để cho vay tiền với lãi suất cao. Tuân sử dụng trang mạng xã hội Facebook "Homebank - Ngân hàng tại nhà" để tìm người có nhu cầu vay tiền. Thủ tục vay của các đối tượng này khá đơn giản, chỉ cần xác minh chỗ ở, giữ bản photo hoặc bản chính CMND, hộ khẩu và các giấy tờ khác của người vay thì Tuân sẽ chuyển tiền vào tài khoản của người vay và thu tiền góp hằng ngày. Bước đầu, Công an quận Tân Phú xác định nhóm Tuân và Điệp cho vay tiền với lãi suất từ 240 - 810%/năm.
Trước đó hơn 1 tuần, Tòa án nhân dân TPHCM đã xét xử vụ án "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" do Jiang Miao (quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu. Jiang Miao và các đối tượng khác đã lập các công ty Beta, Vinfin và Ðại Phát và làm vỏ bọc hoạt động, sử dụng các app “vaytocdo", "Moreloan" và "VD online” để cung cấp gói vay đến đối tượng cần vay. Điều đáng nói, các đối tượng cho vay với lãi suất 2,5%/ngày, tương đương hơn 912%/năm, vượt quá năm lần mức lãi suất cao nhất theo quy định pháp luật, để thu lợi bất chính…
Thời gian gần đây, dịch vụ cho vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến (app) hiện đang bùng nổ và hút khách hàng khi người dân dễ dàng vay được số tiền lớn với thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Tuy nhiên, đi cùng với sự tiện lợi dễ dàng là mức trả lãi cao cắt cổ và phần cắt phí không rõ nguyên nhân.
Chị Thư ở TPHCM cho biết, vì cần gấp tiền chi tiêu nên vay 1,6 triệu đồng qua app, nhưng số tiền chị nhận được thực chất là một triệu đồng, số tiền còn lại được tính vào các loại phí. Sau một tuần, chị Thư phải trả đủ 1,6 triệu đồng. Như vậy, số tiền vay nêu trên đã chịu lãi suất 8,6%/ngày, tức là hơn 200%/tháng.
Cũng liên quan đến cho vay qua mạng, tháng 9/2020, Cơ quan CSĐT Công an quận 2 (TPHCM) đã bàn giao chín nghi phạm (6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam) hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi qua app online cùng hồ sơ, tang vật vụ việc này cho Cơ quan CSĐT Công an TPHCM. Các đối tượng này đã lập các app như BDong, VDong, UDong… cho vay tiền tín chấp trên mạng và
Trong khi đó, theo quy định của Điều 486 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm. Câu chuyện chị Thư chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp vay tiền qua các app ngày một nhiều với nhiều biến tướng mà hầu hết các mức lãi suất đều vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự.
Ngày 17/9, Cơ quan CSĐT Công an quận 2 (TPHCM) đã bàn giao chín nghi phạm (sáu người Trung Quốc, ba người Việt Nam) hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi qua app online cùng hồ sơ, tang vật vụ việc này cho Cơ quan CSĐT Công an TPHCM tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo Công an quận 2, các đối tượng đã lập 2 công ty TNHH Kyushu và Star City để cho vay nặng lãi qua mạng với lãi suất lên tới 4%/6 ngày. Nếu đến hạn mà người nợ không thanh toán, phía công ty sẽ cho “lực lượng đòi nợ” làm đủ trò như đe dọa, khủng bố, nói xấu trên mạng xã hội…
Hoạt động của các công ty này cho thấy rõ phương thức thủ đoạn của các công ty hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi thông qua app, gây ra những hệ lụy xấu cho không ít người lỡ vay tiền của họ.
Khó quản thị trường cho vay online
Tìm kiếm app “vay tiền online” tại CH Play trên điện thoại di động, trong chốc lát hàng loạt đề xuất như MoneyTap, vĐồng, CashVN, Vay nóng, Vay tiền mặt cấp tốc 24/24, Tiền mặt nhanh… đã hiện lên. Thông tin giới thiệu về các app này cũng tương tự nhau như vay tiền mặt trả góp online, hạn mức lên đến 50 triệu đồng, phê duyệt nhanh chóng, giải ngân kịp thời…
Theo đó, người vay chỉ cần tải ứng dụng, điền đầy đủ thông tin trên màn hình, chụp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để xác định danh tính, chờ kết quả phê duyệt vay tiền trong vòng 15 phút.
Tuy nhiên, không ít các app vay tiền là hình thức biến tướng của “tín dụng đen”, với nhiều chiêu trò tinh vi khiến khách hàng sập bẫy, để lại nhiều hệ lụy cho người vay và xã hội.
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, vay online, vay ngang hàng (P2P Lending) thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và khó kiểm soát do chưa có quy định cụ thể.
Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã tiến hành đấu tranh, triệt phá rất nhiều nhóm đối tượng hoạt động cho vay online, như Doctor app, Vdong, Openvay, Tiennhanh, Vtdong, Movay...
Phía Bộ Công an khẳng định, ứng dụng vay tiền trực tuyến thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp. Người đi vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Tuy nhiên, với nhiều biến tướng cửa loại hình cho vay này, Bộ Công an cũng mới chỉ đưa ra khuyến cáo người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ... trước khi quyết định vay tiền qua app.
Rõ ràng, ở đây chính Bộ Công an cũng đang bối rối trước loại hình cho vay mới, dựa trên nền tảng fintech này.
Ngân hàng Nhà nước hiện đang đang đưa ra chính sách thử nghiệm Sandbox (khung cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới) nhằm kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech), trong đó, có một số lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị Sandbox gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P) hay cho vay online, hỗ trợ định danh khách hàng điện tử (eKYC). Nhưng thời gian thử nghiệm các giải pháp này có thể kéo dài lên tới 2 năm.