Bà Đặng Thanh Tâm.
Không gì bằng mình tự lo cho mình
Bà Tâm sống có một mình trong căn nhà rộng thênh. Hai con trai đã có gia đình và ở riêng. Sau khi chồng mất cách đây gần 4 năm, bà có lên ở cùng với gia đình con trai út ở phố Nguyễn Sơn cũng gần đây. Được khoảng 2 năm thì bà thấy vất vả quá.
Vì các con bán hàng, bận rộn, hàng ngày riêng khoản chợ búa cơm nước cho con cháu, cho người làm…mình bà lo đã mệt. Mà ngồi không thì không nỡ vì các con tất bật suốt ngày, chả lẽ mình lại không đỡ đần gì. Lại thêm giờ giấc khác nhau, có ngày đến 1h trưa con mới xong việc để ăn cơm. Ngày nào đến bữa cơm cũng phải chia làm mấy ca.
Thế nên bà bàn với con để mình về nhà cũ, vừa trông nom nhà cửa, hương khói cho chồng, vừa lo giữ gìn sức khỏe cho mình.
Vì bà nghĩ, sức khỏe của mình thì mình phải lo chăm sóc, giữ gìn. Mình khỏe thì con cái cũng được nhờ, thế cũng là giúp cho các con đỡ phải lo lắng chăm sóc. Chứ như đợt bà bị tai nạn gãy xương vai, nằm viện con cái phải chăm sóc vất vả lắm.
Bà luôn nghĩ, vàng bạc cũng không bằng sức khỏe. Gom góp, dành dụm tiền bạc để cho con, không dám ăn dám tiêu, không lo bồi dưỡng, thuốc thang giữ sức khỏe cho mình, đến lúc ốm nằm đấy, con cái lại phải bỏ công bỏ việc chăm sóc, có phải khổ không.
Chả gì bằng mình tự lo cho mình, mà phải lo giữ gìn từ trước chứ để đến yếu rồi thì khó. Mong ước của bà cũng như nhiều người cao tuổi khác là làm sao để sống khỏe và «đi» nhanh.
Bà Tâm có bệnh loãng xương, gai đôi cột sống, tiểu đường… Trước đây bà cũng đã tập một số môn như bóng chuyền, múa quạt… nhưng không đỡ. Khoảng ba năm gần đây, ngoài việc khám bệnh uống thuốc đều đặn, hàng ngày bà vẫn đạp xe đi nằm giường massage thì thấy khỏe hơn. Đến giờ đi đâu bà đều tự đạp xe đạp không như hồi trước, đến đi xe máy con còn không dám để bà đi.
Bà chia sẻ, có rất nhiều phương pháp, nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe, nhưng quan trọng nhất là phải biết chọn cái gì phù hợp với mình.
Phải biết tạo niềm vui cho mình
Khi tôi tới, thấy trong nhà rộn rã tiếng hát, tiếng người, hóa ra là bà Tâm đang bật đài nghe ca nhạc. Bà bảo, sống một mình thì phải biết tạo niềm vui cho mình để không buồn. Nếu không biết tạo niềm vui thì ngay giữa nơi đông người vẫn buồn.
Ví dụ nhà vắng vẻ thì bật tivi, bật đài lên cho có tiếng người. Rồi hàng xóm láng giềng sang thăm nhau, quanh đây phần lớn là đồng nghiệp cũ ở Xí nghiệp phụ tùng 2 nên cũng gần gũi. Tiếng là ở một mình, nhưng nhà bà cũng có một phòng làm kho lạnh cho con cất hàng nên các con ngày nào cũng qua lại luôn.
Hơn nữa, bà còn tham gia công tác xã hội, cùng hội chữ thập đỏ đi nấu cơm từ thiện tại bệnh viện, tham gia các hoạt động văn nghệ của phường, các CLB thơ…Văn nghệ cũng là đam mê từ thời trẻ của bà, đến giờ mới có thời gian để tham gia.
Mà quan trọng nhất là vui trong tâm. Bà vẫn nghĩ, so với trước đây thì cuộc đời mình ngày nay sung sướng hơn rất nhiều rồi. Mồ côi mẹ từ khi mới 5 tuổi nên bà đã quen khổ, quen thiếu thốn tình cảm từ bé.
Đến khi ra công tác cũng vất vả, vì học về cơ khí nhưng lại được phân công làm về vật tư, kế toán, đến khi xí nghiệp hết việc còn phải đi bán hàng…
Kể cả khi được cơ quan phân cho chỗ đất này, biết bao nhiêu vất vả, bao công sức và cả tâm trí để nghiên cứu, tìm hiểu về luật mới giữ được, mới được cấp sổ đỏ. Thế nên đến nay, nhà cửa đã ổn định, phần nào chia cho con nào đã rõ ràng, bà mới thực sự yên tâm.
Bà bảo phải công nhận là không ai khổ bằng mình, vất vả bằng mình, nhưng có phúc có phần, giờ thì không ai sướng bằng bà.
Tuệ Minh