10h đêm vẫn chưa thấy chồng về, gọi điện thì không thấy nghe máy, linh tính có điều chẳng lành, chị T. lật đật xách xe chạy đi tìm chồng. Tới con đường vành đai thường ngày chồng chị vẫn hay đi về, chị bủn rủn chân tay khi thấy xe máy biển số nhà mình đang nằm nát bét dưới bánh xe tải.
Chị sụp xuống đường khóc thảm thiết. Bỗng có bàn tay lay vai chị, quay lại, chị thấy chồng nồng nặc hơi men, giọng khê nhão: "Anh đây, anh chưa chết". Thì ra, chồng chị uống rượu say gục ngay bên lề đường. Xe máy dưới đường bị ô tô tông trúng, may mắn, anh thoát chết.
Khi bệnh nhân bị say rượu, ngộ độc rượu phải đưa ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế có các y, bác sĩ đã được đào tạo về cấp cứu chống độc.
Lời bàn: Trước, trong và cận Tết là thời điểm tai nạn liên quan tới rượu bia tăng cao. Lý do là vì, nhiều người uống rượu say cũng vẫn lái xe.
ThS. BS Lê Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, việc uống rượu là khó tránh khỏi trong dịp cuối năm và đầu xuân năm mới, tuy nhiên, người dân nên biết tiết chế khi uống. Bởi lẽ khi say rượu, nhiều người sẽ không làm chủ được bản thân, có thể gây hại cho mình và người xung quanh.
Các dấu hiệu nguy hiểm cần phải phân biệt và xử trí ngay đối với bệnh nhân say rượu là: hôn mê (gọi không tỉnh), co giật; suy hô hấp (thở chậm; ngừng thở; ứ đọng đờm dãi; chất nôn, dịch dạ dày trào ngược vào phổi do bệnh nhân hôn mê không còn phản xạ bảo vệ đường hô hấp...), suy tuần hoàn (tụt huyết áp, không bắt được mạch, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim...) và các dấu hiệu nguy hiểm khác như hạ đường huyết, chấn thương...
Tuyệt đối không lái xe khi đã uống rượu say. Trường hợp của anh C. là quá may mắn, nhưng cần rút kinh nghiệm, không để lặp lại.