Mơ tam thể có tên khoa học là Paederia foetida L., Họ Cà phê – Rubiaceae hay dân gian còn gọi mơ tam thể là dây Mơ lông, dây Mơ tròn, Thối địt, Ngưu bì đồng, Đại chúng diệp.
Mơ tam thể thuộc loại dây leo, có khả năng sinh trưởng rất mạnh mọc được ở khắp mọi nơi nước ta, đặc biệt yêu thích những nơi có môi trường mát mẻ, ẩm ướt.
Mơ tam thể có nhiều lông, lá mọc đối hình trứng hay mũi mác dài, mặt lá thường lốm đốm vàng. Hoa mơ tam thể màu tím nhạt.Thành phần hóa học có trong cây mơ tam thể: Tinh dầu Binsunfua cacbon (thành phần này tạo nên mùi đặc trưng cho cây mơ lông là hăng và rất khó ngửi). Trong cây còn chứa các chất ancaloit và paedarin, một số chất ete được kết tinh. Theo y học cổ truyền, mơ tam thể có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng. Thường dùng để chữa kiết lỵ.
Tiêu chảy ra máu: Lá mơ tam thể vò qua, thái nhỏ 30g, trộn với một quả trứng gà, thêm vài hạt muối, đánh đều, dàn mỏng trên lá chuối gói lại, rồi lót thêm một lần lá chuối, đặt lên chảo, rang hay nướng cho chín, đến khi thấy cháy lá chuối dưới sém vào lá gói thì lót thêm lá, lật trên xuống dưới như đúc chả trứng cho chín mà ăn (không dùng mỡ). Ăn ngày 2 lần, ăn liên tục 3 ngày chữa lỵ.
Chữa giun kim và giun đũa: Lá Mơ tam thể 50g giã nhỏ, cho ít muối, ăn sống hay vắt lấy nước uống. Uống liền 3 buổi sáng vào lúc đói thì giun ra. Trừ giun kim: ngoài cũng cùng lá mơ một nắm, 50g chế 50ml nước chín, giã vắt lấy nước cốt bơm thụt vào hậu môn, giữ lại khoảng 20 phút vào lúc 19 – 20 giờ trước khi đi ngủ giun sẽ bò ra.
Chữa kiết lỵ lâu ngày: Lá mơ lông 30g, cỏ Sẹo gà 20g, rau sam 20g. Sắc uống ngày 1 thang. Hoặc lá mơ tam thể 30g, rau Sam 30g, hoa Mào gà đỏ 20g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Lương y Hoài Vũ (Hội Đông Y Việt Nam)