PGS.TS Hà Kim Trung thăm hỏi bệnh nhân sau phẫu thuật.
Giống với thoát vị đĩa đệm
Chị Nguyễn Thị P. (35 tuổi, Hà Nội) còn trẻ nhưng đã bị đau lưng mấy năm nay. Chị đi khám nhiều nơi đều được kết luận thoát vị đĩa đệm nhưng chữa mãi không khỏi. Gần đây, chị bị co cứng cơ và có biểu hiện teo mông đùi, đi lại khó khăn. Kết quả chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện E cho thấy chị không phải bị thoát vị đĩa đệm mà bị u tủy sống lưng từ D12 đến L3, kích thước 6cm.
Do u của chị nằm ở vùng tủy sống và đuôi ngựa với rất nhiều dây thần kinh có chức năng quan trọng như vận động, cảm giác, điều khiển chức năng đại tiện, tiểu tiện...nếu mổ sẽ rất nguy hiểm. Chỉ cần sơ sẩy một chút có thể làm tổn thương cấu trúc tuỷ sống hoặc các dây thần kinh, gây hậu quả nặng nề khiến người bệnh không thể tiểu tiện tự chủ, liệt vận động, hoặc rối loạn cảm giác sau mổ. Nhưng nếu không, bệnh nhân không chỉ liệt mà còn có thể tử vong do không đại tiển tiện được...May mắn sau mổ vi phẫu lấy u 1 ngày, chị P. đã tỉnh táo, chân đã đạp được mạnh, bớt đau.
PGS.TS Hà Kim Trung, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Ngoại thần kinh BV E cho biết, đau và rối loạn vận động hoặc rối loạn cảm giác (tê, yếu tay chân) là dấu hiệu đầu tiên của u nội tủy nhưng mọi người hay bỏ qua khi còn nhẹ đến khi đau nhiều hoặc tê liệt không vận động được mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn rất khó hồi phục.
Hơn nữa, việc không tìm ra bệnh, điều trị sai đối với u tủy không phải là hiếm. Nguyên nhân đau trong u tuỷ dễ nhầm với đau rễ thần kinh do các căn nguyên khác như viêm đa rễ thần kinh; viêm dây thần kinh hông to do thoát vị đĩa đệm hoặc do lao, do thoái hoá cột sống; viêm dây thần kinh liên sườn…Cần phải khám kỹ lâm sàng và chẩn đoán đúng mới tìm ra bệnh. Hơn nữa, biểu hiện của u tủy giai đoạn đầu rất mơ hồ, người bệnh dễ nhầm với thoát vị đĩa đệm. Bởi biểu hiện của cả hai bệnh này đều là đau, co cứng các cơ và chèn ép dễ thần kinh…Dấu hiệu nhận biết duy nhất để phân biệt là biểu hiện rối loạn vận động và không đáp ứng với điều trị nội khoa thông thường.
Có thể tự phát hoặc di căn
PGS.TS Hà Kim Trung cho biết, u tủy nằm bên trong ống sống khi chèn ép tuỷ sẽ làm giảm chức năng và đe dọa nghiêm trọng khả năng vận động của người bệnh. Bệnh u tủy sống có thể hình thành ở bất kỳ thành phần nào trong cấu trúc của tủy sống và cột sống: Cột sống cổ, ngực hoặc thắt lưng... Nó có thể là u nguyên phát, tự hình thành và phát triển ở một vị trí trong cột sống, tủy sống hoặc do di căn từ những nơi khác đến như ung thư vú, ung thư phổi...
Triệu chứng phổ biến của bệnh u trong ống sống là tình trạng đau cổ hay đau lưng tùy vị trí u. Các cơn đau thường xảy ra vào ban đêm, khi người bệnh nghỉ ngơi và đau nhiều hơn khi hoạt động. Những triệu chứng của bệnh u tủy sống cũng rất khác nhau và phụ thuộc chủ yếu vào vị trí mà khối u gây tổn thương. U tủy sống cổ thì có thể gây yếu các chi trên hoặc nghiêm trọng hơn là làm tê liệt tứ chi. U tủy sống ngực và thắt lưng thì có thể gây yếu, tê bì, mất cảm giác ở tay chân hoặc vùng ngực…
Đa số các u nội tủy có triệu chứng khởi phát khá kín đáo và tiến triển chậm, dễ bị bỏ qua trong giai đoạn đầu. Vì đa số u lành tính trong ống sống phát triển chậm ở giai đoạn đầu nên thời gian này thường kéo dài khá lâu, đôi khi có thể tới vài năm hoặc lâu hơn. Các triệu chứng lâm sàng khi phát hiện bệnh của u trong tủy sống gồm đau và các rối loạn chức năng thần kinh như rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, rối loạn cơ vòng (gây tiểu khó, táo bón), co cứng cơ, teo cơ và rối loạn hô hấp…
Điều trị phẫu thuật u nội tủy qua kính hiển vi đã được áp dụng tại các cơ sở chuyên khoa cho kết quả tốt. Bởi u có độ ác tính thấp, nếu được chẩn đoán sớm và phẫu thuật kịp thời thì sau mổ tình trạng lâm sàng của người bệnh sẽ dừng lại giống như ở mức trước mổ hoặc tốt hơn (hơn 80%), nguy cơ tái phát ít và thời gian sống gần như người bình thường.