Ông Nguyễn Văn K. (56 tuổi, Thái Bình), bị đầy hơi, ợ chua, đau bụng lâm râm đi khám được kết luận viêm dạ dày. Bác sĩ kê thuốc và hướng dẫn uống thuốc trong 7 ngày, rồi khám lại.
Uống được 3 ngày, ông thấy hết đau và tự ý bỏ thuốc. Vài tháng sau, bệnh tái phát, ông không đi khám mà dùng đơn thuốc cũ, hết đau lại thôi. Hơn 1 năm sau đơn thuốc không còn tác dụng ông quay sang uống đủ các loại thuốc khác theo mách bảo. Đến khi đi ngoài ra máu ông mới đi khám lại thì được kết luận bị ung thư dạ dày.
Lời bàn: BS Cao Hồng Phúc, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, viêm loét dạ dày là bệnh có tỷ lệ gặp cao trong cộng đồng. Điều trị đúng bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Nhưng không tuân thủ trong điều trị, hay dùng thuốc theo đơn cũ là tình trạng phổ biến và đó là nguyên nhân dẫn tới những biến chứng nặng nề.
Việc uống thuốc tùy tiện (tự uống thuốc, tự dùng thuốc và tự thay đổi thuốc) không chỉ biến bệnh từ dễ điều trị thành khó (từ viêm thành loét), gây tăng độ kháng thuốc và đặc biệt là biến chứng loét ung thư hóa.
Nghiên cứu cho thấy, nếu một người bị loét dạ dày mà do nhiễm vi khuẩn HP thì họ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn gấp từ 3 - 6 lần so với người khác. Và nếu điều trị không đúng thì nguy cơ ung thư cao từ 6 - 12 lần so với người điều trị khỏi.
Bởi vậy, người bệnh cần uống đúng thuốc, uống đủ thuốc, tuân thủ liệu trình điều trị (đủ ngày) và có sự kiêng khem cẩn thận theo hướng dẫn của bác sĩ.