Việt Nam có tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày cao
Tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày ước tính cao nhất ở châu Á và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc cao trong khu vực. Năm 2018, tại Việt Nam có khoảng 17.527 ca mới được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, tỷ lệ tử vong chiếm 13,1% (là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau ung thư phổi, gan).
Ngày nay, nhiều xét nghiệm không xâm lấn như xét nghiệm các marker ung thư CEA, CA 19-9, CA72-4, xét nghiệm phát hiện gene gây ung thư dạ dày, CT scan, nội soi dạ dày đang được dùng chẩn đoán ung thư dạ dày. Tuy vậy, các bệnh nhân mắc ung thư dạ dày ở Việt Nam đa phần được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến kết quả điều trị và tiên lượng bệnh thường xấu.
Sàng lọc không xâm lấn phát hiện sớm bệnh
Gần đây, xét nghiệm nồng độ pepsinogen huyết thanh và tỷ lệ pepsinogen I/II là một giải pháp sàng lọc không xâm lấn được sử dụng để đánh giá nguy cơ và phát hiện sớm ung thư dạ dày ở bệnh nhân có nguy cơ.
Pepsinogen (PG) là tiền enzym (proenzym) của pepsin - một enzym thủy phân protein được bài tiết bởi các tế bào niêm mạc của dạ dày. Pepsinogen không chỉ được tiết vào trong lòng dạ dày, được thủy phân thành pepsin nhờ tác dụng hoạt hóa của axit chlohydric của dạ dày để thủy phân protein thức ăn, mà một phần nhỏ còn được bài tiết vào máu. Mức độ của hai loại pepsinogen I và II huyết thanh phản ánh tình trạng hình thái và chức năng của các phần khác nhau của niêm mạc dạ dày-hành tá tràng. Khi hoạt động của niêm mạc vùng đáy dạ dày bị giảm, mức độ pepsinogen I huyết thanh giảm, trái lại mức độ PGII huyết thanh không thay đổi. Kết quả là sự giảm dần của tỷ số PGI/PGII liên quan chặt chẽ với sự tiến triển tăng dần từ niêm mạc vùng đáy bình thường thành viêm teo dạ dày, lúc này số lượng tế bào chính giảm đi.
Trong bệnh ung thư dạ dày, người ta đã xác định được quá trình tổn thương về tế bào bệnh học diễn biến theo thứ tự sau: viêm dạ dày mạn, viêm teo dạ dày mạn, dị sản và loạn sản. Đối với ung thư dạ dày, khối u thường phát triển ở niêm mạc dạ dày do tác động của viêm teo dạ dày mạn tính, vì vậy, việc định lượng các pepsinogen huyết thanh có thể được xem như một “sinh thiết huyết thanh, cho phép phát hiện sớm các bệnh nhân ung thư dạ dày. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới, trong một thời gian dài với nhiều nghìn bệnh nhân ung thư dạ dày đã cho thấy mức độ pepsinogen I huyết thanh của bệnh nhân ung thư dạ dày giảm một cách có ý nghĩa rõ rệt, trong khi hầu như không có sự thay đổi có ý nghĩa của mức độ pepsinogen II huyết thanh so với ở người bình thường. Vì vậy, tỷ lệ PGI/II ở bệnh nhân ung thư dạ dày cũng giảm một cách có ý nghĩa so với các giá trị này ở người bình thường. Đối với mức độ nặng của ung thư dạ dày, các giá trị pepsinogen I và tỷ lệ PGI/II giảm nhiều hơn một cách có ý nghĩa ở bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển so với ở bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Do đó, việc sử dụng kết hợp mức độ pepsinogen I huyết thanh và tỷ lệ PGI/II có thể giúp chẩn đoán sớm ung thư dạ dày.
Mặc dù các dấu hiệu của ung thư dạ dày rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của các bệnh lý dạ dày khác, xét nghiệm pepsinogen nên được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng như: mệt mỏi, ăn không ngon, khó tiêu dai dẳng, ợ hơi, cảm thấy no rất nhanh khi ăn, đầy hơi sau khi ăn, đau vùng thượng vị, nôn, đi ngoài phân đen hoặc xuất hiện có máu trong phân, giảm cân, thiếu máu…
Tuy nhiên, một khi xét nghiệm pepsinogen I huyết thanh và tỷ lệ PGI/II dương tính, để khẳng định chẩn đoán ung thư dạ dày, điều cần thiết là cần xét nghiệm thêm một số dấu ấn ung thư dạ dày khác như CA 72-4, CA 19-9, CEA, cũng như nội soi dạ dày tìm khối u và sinh thiết các vị trí nghi ngờ ung thư trên khối u để chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học.
ThS.BS Đinh Thị Thảo (Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)