Ăn mặn tăng nguy cơ ung thư dạ dày

(khoahocdoisong.vn) - Ăn quá nhiều muối không chỉ gây hại cho dạ dày, dẫn tới viêm loét, ung thư mà còn tác động xấu tới các bệnh cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường.

Muối làm vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn

TS.BSCC Hoàng Đình Chân - Giám đốc chuyên môn BV Ung bướu Hưng Việt cho biết, chế độ ăn mặn, nhiều muối, đặc biệt là các món như dưa cà muối, các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn khiến lượng muối đưa vào cơ thể quá nhiều, gây quá tải cho hệ tiêu hóa là một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày.

Trong ung thư dạ dày, vi khuẩn HP là yếu tố nguy cơ chính, do loại vi khuẩn này gây viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư hóa. Các dấu hiệu chính của ung thư dạ dày như xuất hiện các cơn đau bụng từng đợt, ngày càng trầm trọng và không thuyên giảm dù đã dùng thuốc. Người bệnh thấy đầy bụng bất thường sau khi ăn kèm cảm giác khó chịu, buồn nôn. Xuất hiện ợ nóng, sụt cân, đi ngoài phân đen hoặc lẫn máu trong phân; chán ăn, khó nuốt, cảm giác thức ăn thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng; Nôn ra máu. Không phải tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày đều là do vi khuẩn HP, nhưng những người nhiễm HP có khả năng bị ung thư cao hơn.

TS Nghiêm Nguyệt Thu,- Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, muối làm vi khuẩn  HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác. Nghiên cứu của tác giả D’Elia và cộng sự trên 270.000 người và theo dõi trong 6-15 năm cho thấy những người ăn nhiều muối tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày so với những người ăn ít muối hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy, với mỗi gam muối ăn thêm mỗi ngày thì nguy cơ ung thư dạ dày tăng thêm 8%.

Nạp nhiều muối tăng gánh nặng cho dạ dày

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, hiện nay chúng ta đang ăn quá nhiều muối, nhiều gấp đôi nhu cầu cơ thể cần. Do đó những người đã có nguy cơ về ung thư dạ dày cần xem lại lượng muối ăn hàng ngày, tránh những thực phẩm chứa nhiều muối. Muối chủ yếu đến từ nước mắm, gia vị mặn, 20% từ thực phẩm chế biến sẵn, 10% có sẵn trong thực phẩm tự nhiên. Trong các cuộc điều tra gần đây người ta nhận thấy gần 90% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chế biến, 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác với thức ăn trong khi ăn (muối trên bàn ăn), 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, thịt muối và các loại thịt chế biến khác. Ăn quá nhiều muối không chỉ gây hại cho dạ dày, dẫn tới viêm loét, ung thư mà còn tác động xấu tới các bệnh cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường.

Để giảm lượng muối, người nội trợ nên chọn thực phẩm tươi, chế biến đơn giản, khi ăn nên ăn kèm các loại rau. Khi đi mua sắm thực phẩm, nên đọc kỹ thông tin ngoài nhãn và chọn các sản phẩm chứa lượng muối nhỏ. Nên điều chỉnh tần suất ăn các thực phẩm có hàm lượng muối cao, không nên ăn thường xuyên và liên tục thực phẩm chế biến sẵn, tránh tích lượng muối quá nhiều trong cơ thể. Nên điều chỉnh vị giác qua từng ngày để khẩu vị quen với món ăn có mức độ muối ít nhất. Ngoài ra có thể cân bằng lượng muối trong cơ thể bằng cách uống nhiều nước, vận động thường xuyên vì đổ mồ hôi sẽ giúp cho muối trong cơ thể được loại trừ.

Hồng Loan

Theo Đời sống
Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Khi ngừng thuốc trị tăng huyết áp đột ngột, huyết áp có thể tăng lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn,...
back to top